“Tại sao?” là câu hỏi của trí tuệ - tò mò khám phá tri thức. Bé nhà mình gần 5 tuổi, con đã biết quan sát cuộc sống. Chẳng cần phải dạy con hỏi “tại sao?” con cũng hỏi cho mình đến trả lời mỏi miệng luôn.
Trên thế giới đã xuất bản rất nhiều tựa sách “hàng vạn câu hỏi vì sao ?” như thế. Nhưng ngay khi con hỏi mà ta vội vàng trả lời ngay đáp án thì giống như đưa con nắm lá cây trong cánh rừng trí thức mà thôi. Đáp án chỉ giải quyết thắc mắc tức thời của con mà thôi mà.
Càng lớn, độ khó của câu hỏi tại sao càng tăng. Và bố mẹ không phải là chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực để trả lời con. Cho đến khi thử thách vượt quá giới hạn thì bố mẹ sẽ phải tìm cách khác. Như cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” đưa ra phương án để con chủ động tìm kiếm câu trả lời hay chuyển hướng sang một “chuyên gia” biết câu trả lời.
Nhưng mình thật lăn tăn vì câu trả lời đó. Và bạn tin không ?! nếu các bạn cứ trả lời bố không biết thì chỉ một năm thôi gậy ông sẽ đập lưng ông. Bởi vì con là tấm gương phản chiếu của bố mẹ mà. Chắc bạn sẽ không muốn khi hỏi “Con có thấy điện thoại bố để đâu không ?” và con trả lời “con không biết” với “thái độ của bạn” chứ ?!
Trong tình trạng tâm lý tốt, mình sẽ tận dụng khoảng đất tò mò trong con, để gieo hạt “tại sao” bằng ba cách thế này:
Một là, khi con hỏi “tại sao ?” thì mình cũng hỏi con “tại sao nhỉ ?” Hôm nọ, đang ăn cơm trưa tự nhiên con hỏi:
- Bố ơi, sao mặt trăng lại đi theo mình ?
Cái này mình không biết thật. Và mình hỏi lại:
- Uh nhỉ, tại sao lại thế nhỉ ? Con có biết tại sao không ?
Sau khi nhìn mặt cậu có vẻ suy nghĩ một chút mình nói tiếp:
- Ah bố biết rồi, chắc tại có một sợi dây buộc vào mặt trăng vào người mình nên mình đi đâu mặt trăng đi theo ấy ? Như quả bóng bay ấy?
- Nhưng mặt trăng cao tít trên trời mình làm sao mà buộc được ?
- Ah, hôm nọ con đi máy bay con tranh thủ buộc dây vào mặt trăng đúng không ?
- Uh đúng rồi, con đi máy bay lên cao tít rồi buộc mặt trăng lại… câu nghĩ lại, chắc nghĩ có vẻ sai sai nên nói tiếp… Không phải, vì mặt trăng ở tít trên cao ngó xuống nhìn theo mình đấy!
Câu hỏi khó, mình không đủ trình để giải thích và con chưa thể trả lời ngay được. Nhưng mình tin đã gieo được sự tò mò cho con bằng cách cố gắng đưa phương án giải thích. Ở trên là một câu trả lời cậu biết là sai để biết nghi vấn “liệu có thật như thế không nhỉ?”
Hai là, mình hỏi lại những câu hỏi gợi mở để con tự tìm lời giải đáp. Một lần khác, sau khi đi chơi biển về, da bị cháy nắng cậu mếu máo hỏi:
- Bố ơi, tại sao da mình lại bị đỏ ?
- Uh, tại sao nhỉ ? Chắc do mình bị nóng quá ?
- Tại sao nóng quá da mình bị đỏ ?
- Uh nhỉ ? Thế con có nhớ con tôm mình hay ăn không ? Khi bình thường nó có màu gì ? Khi luộc lên nó có màu gì ?
- Màu đỏ. Nhưng mình có bị luộc đâu ?
- Có chứ, con chơi dưới nắng mà, nắng chiếu vào da thì con có thấy nóng không ?
Bằng những câu hỏi trên mình cố gắng cùng con quan sát và đưa ra những hiện tượng giống nhau để con tự tìm hiểu quy luật.
Ba là, mình dùng câu hỏi tại sao để đánh đổ định kiến của con. Bạn đã thấy những cây dây leo bám trên những bức tường bê tông bao giờ chưa ? Cách gieo hạt này là như vậy đấy, đặt câu hỏi để dây leo tò mò bám rễ lên bức tường bê tông định kiến và dần dần vượt qua nó.
Hồi bé nhà còn học lớp mầm non bé, các cô vẫn hay buộc tóc, kẹp tóc, sơn móng tay cho các con, cả trai cả gái. Ông bà ngoại thấy thế dặn tôi: “bảo các cô đừng buộc tóc cho cháu nữa”. Ông bà còn cẩn thận dặn cháu: “chỉ con gái mới buộc tóc mà thôi”. Dần dần, với những quan sát như thế con đã biết phân biệt con trai và con gái. Một lần, mình cho con xem tranh có vẽ một bạn trai, một bạn gái. Tôi hỏi:
- Đố con biết bạn nào là đâu là con gái ?
Ngay lập tức, con chỉ vào bạn mặc váy. Tôi hỏi tiếp:
- Tại sao mặc váy lại là con gái ? Bố biết một nơi con trai mặc váy đấy!” Tôi cho nó xem luôn ảnh đàn ông Scotland.
- Bởi vì bạn ý mặc áo màu hồng ?
- Con trai cũng có thể mặc áo hồng mà!
- Bởi vì bạn ý để tóc dài!
- Uh, nhưng con trai cũng có thể để tóc dài mà.
- Thế con chẳng biết.
Những gì ông bà dạy cho con là đúc kết của đời người. Đó là lối đi tắt giúp con học nhanh hơn. Ông bà và bố mẹ luôn mong muốn con giỏi hơn, thông minh hơn, đi học trường tốt hơn. Con cố gắng học giỏi, sau này tốt nghiệp đại học kiếm công việc ổn định rồi lấy vợ đẻ con. Đó là nền đất màu mỡ để hạt mầm con phát triển, sau này con sẽ biết ơn vì điều đó.
Nhưng khi con đã nắm được tri thức thì mình nghĩ bước tiếp theo là dạy con đối chiếu với thực tế và bản thân con. Bởi vì vốn hiểu biết của mình chỉ là 1 cái cây nhỏ bé trong cánh rừng, trải nghiệm của mình là khác biệt so với con, còn kinh nghiệm càng ngày càng lỗi thời nhanh chóng với tốc độ phát triển của công nghệ. Thế giới ngày cảng mở, con người ngày càng tự do hơn và tiếp cận gần hơn với tầng trên cùng của tháp nhu cầu Maslow: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương. Vậy tiếp cận thế nào mới giúp con phát triển toàn diện và hạnh phúc ?
Một cái cây tốt luôn cần hạt giống tốt và môi trường tốt. Hạt giống “tại sao” thấm hút trí thức nhanh như miếng bọt biển thấm nước. Đất càng màu mỡ bao nhiêu thì cây càng phát triển bấy nhiêu. Nhưng hạt giống “tại sao?” không thấm hút tri thức mà còn nảy mầm nhân cách.
Bằng cách nhìn lại những trải nghiệm đã có trước đây, con có dịp thể hiện ra và nhận ra rằng đó có thể là sự lựa chọn của con, đâu là sở thích, sở trường, sở đoàn của mình. Đó là khi cái cây “tại sao?” cất tiếng reo “trong cánh rừng tri thức”.