Phần 1: Hoài bão của cây
Mùa hè oi ả, bọn trẻ được vầy nước là nhất. Vì thế, cứ tối tối ngày thường hoặc chiều chiều ngày nghỉ, mình hay rủ bọn trẻ con lên sân thượng tưới cây.
Trời nóng, nước lại mát nên được nghịch nước bọn trẻ rất khoái. Chúng nó có thể chơi cả tiếng vừa nghịch nước, vừa tưới cây, vừa thẩn thơ ngắm nghía mấy cái cây… và chờ đợi một điều gì đó. Nhưng thành quả không đến dễ dàng như thế!
Cách đây khoảng 7 năm, mình trồng các loại cây sen đá với ý định nhân giống để bán. Thế là mình mua rất nhiều loại cây sen đá và chăm chút cho chúng nó. Bố mẹ nếu đã trồng cây rồi chắc sẽ nhớ cái khoảnh khắc khi tưới cây, chúng ta thường dừng lại ngắm nhìn nó, xem nó có lớn lên tí nào không và hồi hộp mong chờ (nhất là khi đang máu kinh doanh) ?.
Nhưng cây dường như không bao giờ đáp lại ý của chúng ta, chúng cứ lớn như thế sống chậm, sống chậm. Nó bắt chúng ta phải quan sát mỗi ngày, chia nhỏ nỗ lực của chúng ta thành từng ngày, từng gáo nước. Tất nhiên với suy nghĩ non tơ như thế, những cây sen đá của mình bị chết mất hai phần ba và số vốn bỏ ra không bao giờ được gỡ lại. Số sen đá còn lại vẫn mọc tươi tốt đến tận bây giờ.
Khi bé nhà mình khoảng độ 3 tuổi. Cậu rất hay mò lên sân thượng chơi khi mình lên phơi quần áo hay tưới cây. Độ tuổi này, các bạn nhỏ hay bắt chiếc các hoạt động của người lớn nên khi thấy mình tưới cây, bạn cũng bắt chiếc theo và từ đó mình nhờ bạn tưới hộ luôn.
Tất nhiên, mọi trò vui chỉ hứng thú lúc đầu thôi, sau một thời gian ngắn, cậu cũng chán. Để tạo cảm hứng tưới cây cho cậu, mình hay bày trò theo sở thích của cậu như: biến thành xe cẩu cầu nước đổ vào cây, hay máy bay mang nước giải cứu cánh rừng… Những trò này khiến cậu hứng thú tưới cây, nhưng mình thấy hơi mệt và không phơi quần áo được.
Sau đó mình bày trò tưới cây bằng bình súng phun nước của lính cứu hỏa, rồi bằng bình xịt. Uh, cái trò này thì chơi mãi không chán đến tận bây giờ…
Lớn lên một chút, bọn nó sẽ hỏi tại sao phải tưới cây ? Bọn nó vẫn rất háo hức nghịch nước, tưới cây, đào đất trồng cây nghịch đất rất chăm chỉ. Nhưng câu hỏi đó thực sự quá dễ, mình chờ mãi mà bọn nó vẫn chưa hỏi. Có rất nhiều cách để trả lời sinh động, mình sẽ chia sẻ ở những phần sau. Nhưng có một câu trả lời mình ấp ủ mãi như thế này:
“Và khi được hỏi về những cái cây: “Ông tìm thấy những cái cây này ở đâu vậy. Những cái cây đang vươn lên những vì sao ấy?”, thì Van Gogh đáp:“Đó là những cái cây mà tôi đã ngồi bên cạnh chúng và lắng nghe những hoài bão của chúng. Tôi đã nghe thấy chúng nói rằng chúng chính là hoài bão vươn tới ngôi sao của Trái đất". (Trích Ohso _ Sáng tạo).
Những cái cây luôn mọc ngược với trọng lực. Trái đất cho phép chúng đi ngược lại với trọng lực và luôn hỗ trợ chúng. Có lẽ Trái đất muốn trò chuyện với những vì sao.
Mình sẽ trả lời như vậy để reo cho con hoài bão và một góc nhìn rộng mở về thế giới bố mẹ ạ! Giống như những cái cây, hoài bão cũng phải vun trồng từng chút một.
Phần 2: Trồng một cái cây.
Trồng một cái cây có lẽ là bài học đơn giản nhất về quy luật của cuộc sống: Luật nhân quả. Nhân là gieo trồng, cũng là nguyên nhân và nguyên do. Quả là trái cây cũng là kết quả, hậu quả. Gieo nhân nào được quả đấy.
Thế nhưng nếu dừng lại ở đó, trong xã hội hiện tại, trẻ dễ suy nghĩ: Có nhu cầu - Mua hàng - Sử dụng. Sự trung gian và tiện lợi của tiền che phủ lên quá trình lao động. Giống như cách chúng ta thường nhớ tới những vĩ nhân bằng thành quả của họ như Edison phát minh ra bóng đèn nhưng lại ít biết đến Edison đã thí nghiệm thất bại 1000 lần. Hay nói theo cách của Đen Vâu là: "Người ta không quý con ong, mà người ta chỉ quý mật". Dù gì thì mình cũng phải công nhận rằng: thành quả là trailer tạo động lực rất tốt.
Thay vì suy nghĩ “ Có nhu cầu - Mua hàng - Sử dụng”, mình muốn bé nhà mình nghĩ thêm: “Làm ra như thế nào?”:
- Bố đố con nhớ, bây giờ mình muốn uống nước chanh thì làm thế nào ?
- Thì con lấy chanh pha với nước rồi cho đường vào thành nước chanh rồi uống.
- Thế con lấy chanh ở đâu?
- Con đi ra siêu thị mua.
- Thế con lấy tiền ở đâu ?
- Thì con xin bà.
- Nhưng mà bố có một cách để có chanh mà không cần tiền đấy?
- Lấy ở đâu hả bố ?
- Ở trên vườn mà con trồng ấy. Mà hàng ngày con lên tưới cây chanh, sau này nó sẽ ra quả. (Cây chanh nhà mình cho đến giờ mới cho ra quả được bằng quả quất).
Khi có dịp được trồng một khu vườn mới, mình nhen nhóm một ý tưởng mới. Mình sẽ là trồng những loại cây ăn quả, hoặc có tác dụng nhất định để bé nhà mình có thể thu hoạch sau thời gian trồng trọt. Từ đó cho bé lao động để hiểu: Tiền bạc chúng ta nắm trong tay luôn là thành quả lao động của con người. Nhưng tiền bạc phải và luôn luôn chỉ là một phương tiện mà thôi. Thay vì mua quả ngoài chợ, ta có thể trồng cây để hái quả.
Để bắt đầu, mình không mua cây giống ngoài chợ luôn mà tìm những cách khác để có giống cây như tách cây mà nhà có sẵn ra này, xin trên cộng đồng mạng này, xin ông bà ở quê này và một loạt các cây mình tự gây giống bằng cách gieo hạt. Mình thường cho bé đi tham gia cùng để bé có thể biết được nguồn gốc của cây. Từ đó bé thêm hiểu và thêm nhớ để có hạt giống thì phải làm sao?
Khi có giống cây, mình sẽ hướng dẫn bé reo hạt. Mấy công đoạn cần search google để học thì mình làm sẵn, bé chỉ xới đất, reo hạt và tưới tắn thôi. Ban đầu, mình sẽ chỉ trồng mấy dễ sống như lưỡi hổ, nha đam… vì nó dễ chăm sóc và cũng có một số tác dụng có thể hướng dẫn bé được.
Sau đó, mình phát hiện ra việc gieo hạt cũng vui. Vì bà nhà mình hay trồng mấy cây gia vị như hành, khoai tây, bơ… kiểu thủy sinh để trang trí bếp. Thế nên mình ăn quả gì cũng lấy hạt rồi search mạng cách trồng để làm theo. Tùy loại hạt mà cách thức làm khác nhau: có hạt reo được luôn nhưng có hạt phải tách vỏ, ngâm nước ấm rồi reo mới trồng được. Mình từng reo hạt xoài, đậu hà lan, đậu biếc, gừng, chanh, rau ngót... Nhưng không phải cây nào reo hạt cũng thành công đâu bố mẹ ạ. Có cây nảy mầm, có cây không nảy mầm.
Rồi trong quá trình chăm, có những cây rau mọc lên rồi sau mưa nắng rồi chết, có cây bị rệp bâu trắng cây, rồi có cả cây ngắn ngày mình không biết thời điểm thu hoạch thì lãng phí lắm bố mẹ ạ. Đó là cả một chặng đường dài ngày ngày trẻ sẽ quan sát khi tưới cây. Đôi khi chỉ là “chim ăn lá cây kìa bố”, “cây này bị chết rồi”...
Trồng cây cũng tiêu tốn nhiều thời gian lắm. So với việc đi ra siêu thị mua hàng thì tốn hơn rất nhiều. Và phải dành thời gian cho nó, nếu không thì việc trồng cây cũng chỉ là hình thức. Vô tình, chúng ta đang dùng thời gian đó để “sống vì con” chứ không phải “sống cùng con". Mà trẻ con thì nhạy cảm lắm, chúng nó biết hết đấy.
Phần 3: Đến ngày hái quả
Quả cho bố mẹ.
Càng ngày thời tiết càng khắc nghiệt. Đợt nắng nóng rồi lại mưa to vừa rồi khiến nhiều cây non trong vườn nhà mình bị chết. Nhưng những cây đã kịp lớn thì trổ lá, trổ hoa thêm nhiều. Nó nhắc nhở nhẹ cho mình về việc ghi dấu cho con bằng những trải nghiệm tốt (1).
Mình thấy những vườn trồng cây chuyên nghiệp thì đều có những vườn ươm cây giống. Khi cây đủ trưởng thành mới mang ra trồng ngoài tự nhiên. Như thế cây có tỉ lệ thích nghi được với môi trường cao hơn.
Trẻ em cũng như những cây giống vậy. Khi trẻ gặp được những khó khăn vừa sức và vượt qua được thì trẻ dần sẽ có sự tự tin và tình yêu công việc. Ngược lại trẻ gặp phải những thất bại thì nó như một cái bẫy khiến trẻ mất tự tin và ko còn yêu thích công việc đó nữa.
Trồng cây đòi hỏi tính kiên trì. Mỗi ngày 10 phút tưới cây thôi nhưng nếu không làm thì một tuần là biết kết quả (cây héo, chết). Vất vả thế nhưng việc thu hoạch sau bao ngày chăm bẵm cũng không quá ngọt ngào. Uh, đôi khi nó khiến chúng ta phải nghĩ mình mất công thế có xứng đáng hay không ? Hay ra chợ bỏ ra 1,2 nghìn là có rồi.
Từ suy nghĩ đó, bé có thể này sinh tình yêu với công việc trồng cây, biết tận hưởng hành trình chăm sóc khu vườn. Hoặc bé biết chán và từ bỏ nó để bé làm dự án khác có ích hơn. Mà nếu bé có những suy nghĩ đến mức đó thì mình nghĩ đây là loại quả ngọt ngào nhất mà bố mẹ được tận hưởng đấy ạ.
Quả cho con.
Dưới đây là 1 số loài cây mà bé nhà mình chăm sóc có kết quả sau khoảng hơn 1 năm cùng nhau trồng cây:
- Cây lưỡi hổ: Loài cây dễ sống này nhà mình trồng tốt. Khi cây lớn, mình cùng bé chia nó ra nhiều chậu. Khi cây vào chậu mới ổn định và có dấu hiệu phát triển thì mình cùng bé đặt cây vào các vị trí trong nhà như WC để thanh lọc không khí, khử khuẩn.... Sau đó bé có thể rải sỏi trang trí lên cho đẹp mắt.
- Cây nha đam: cây nha đam được mình nhặt từ sọt rác và cùng bé trồng lại vào chậu mọc um tùm và to lắm. Một vài lần mẹ bị bỏng, nhờ anh lên lấy lá nha đam để bôi vào vết bỏng. Đợt đi Phú Yên, cả nhà bị cháy nắng. Anh tour guide cũng cho 1 lá nha đam to để chữa cháy nắng. Sau này, có lần anh phun nước nóng vào bố bị bỏng. Anh hối lỗi lắm và tự lên ngắt lá nha đam và sát vào vết bỏng cho mình. Âu cũng là một bài thuốc đáng nhớ cả nhà nhỉ.
- Cây chanh: Sau bao ngày chăm bẵn, cây chanh toàn ra lá. Quả chanh to nhất thì bằng ngón tay cái. Nhưng không sao, mỗi lần ăn thịt gà, nhờ anh lên lấy lá chanh rồi rửa rửa thái nhỏ, rắc vào thịt gà cho anh xem. Sau này mong rằng anh nhớ: thịt gà phải có lá chanh.
Phần 4: Những bài học đắng
Phần trước, mình đã kể về việc trẻ đã được hái quả rồi. Trẻ đã được nếm hương vị quả và sử dụng những loại cây mình trồng, nhưng sau đó thì sao ?
Hôm nay, mình sẽ chia sẻ về những bài học đắng nhé! Đắng với cả bố mẹ, và cả các con. Đắng nhất là sau khi được một mùa thu hoạch, niềm vui và mong đợi lên cao phơi phới.
1. Đắng với bố mẹ.
Bố mẹ nào có thâm niên mua cây ở Chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám chắc đều biết các cây bán ra luôn được người bán đảm bảo là sẽ sống tốt. Khi được hỏi "cách chăm cây thế nào ?" thì chắc hẳn đa số sẽ nhận được câu trả lời là: "Cứ về chăm tưới nước bình thường, cây sống tốt". Kinh nghiệm của mình, cây mua từ ngoài chợ về chỉ sống được một mùa thôi. Sau đó thì khó lường lắm.
Thế bố mẹ nào ra bắt đền người bán cây chưa? Liệu khi ra bố mẹ có nhớ mình mua chỗ nào không ? Và làm sao để họ nhận biết được cây của họ ?
Đùa vậy thôi, ý mình không phải là họ bán cây rởm đâu nhé! Vì một cái cây sống tốt không chỉ dựa vào 1 yếu tố tưới nước. Mà cây phải được quan sát tổng thể: đất trồng, lượng mưa, nắng, côn trùng và sâu bênh... và cả những lời thì thầm nữa ;))
Trong các khóa thiền, tâm linh, "Quan sát cây" thường là bài học đầu tiên được giao cho người học. Vì có lẽ đó là bài tập đơn giản nhất để mình lắng lại và chậm rãi quan sát cây. Từ đó dễ dàng chuyển sang quan sát thân tâm của chính mình.
Bình thường người ta chỉ dừng lại quan sát khi gặp rắc rối:
* Khi cái cây bị bệnh, ta phải dừng lại quan sát để tìm hiểu nguyên nhân.
* Khi gặp rắc rối với con, bố mẹ mới dừng lại để tìm hiểu nguyên nhân.
Nhưng cũng có những cha mẹ bị cuốn trong vòng xoay cuộc sống mà không kịp thời quan sát con, quan sát chính mình. Đối với cái cây cũng vậy, nhiều nguyên nhân dồn ứ lại gây ra sự tai hại không thể cứu vãn được. Đắng là lúc này.
2. Đắng với con
Trồng cây có lẽ là công việc khó nhất để nói về việc con đang làm. Trồng cây thì loanh quanh với đất với xẻng, nhà bếp, nước gạo, đất... rồi ủ phân chờ nó phân hủy thì mùi. Em cũng từng thử ủ phân từ rác thải nhà bếp và rất thông cảm với các bậc phụ huynh về mùi khó chịu của rác thải phân hủy.
Rồi để chờ thành quả thì cần thời gian dài, ít nhất là 1 tuần. Nếu mà tính cả thời gian chuẩn bị đất, ủ phân thì kéo dài đến hàng tháng trời!
Ở nhà, mình vẫn kiên trí nhờ con: Con lên tưới cây giúp bố! Dù con lơ đi nhưng mình vẫn cứ hỏi. Hỏi nhiều cũng sẽ có lúc con hứng lên làm. Mà thấy mình tưới cây mỗi ngày, con cũng sẽ hứng thú làm cùng.
Khi các con tưới cây, đa phần con nghịch nước và tưới ngập nước cả chậu cây. Lúc đó bố mẹ sẽ làm gì ? Mình thì chỉ mím môi chịu thôi, và nói với con tác hại của việc uống quá nhiều nước.
Bạn nhà mình dạo này thích tỉa lá vàng, vì mình bảo mùa thu rồi, phải bấm bớt lá vàng đi để con cây dồn sức cho những cành mới lớn lên. Nghe vậy, con rất chăm chỉ tỉa cây. Nhưng có lúc lười con cắt nguyên 1 cành cả lá xanh lẫn lá vàng. Lúc đó, mình cũng mím môi thôi, và nói với con tác hại của việc cắt lá thì cây sẽ không thở (quang hợp) được.
Khi con tưới một cái hạt mầm hay chồi non, con nhất định phải tưới ít một, thật nhẹ nhàng. Nếu không các bạn sẽ bị bật rễ hay trôi mất. Bởi vì các bạn ý còn nhỏ, nếu con tưới mạnh bạn sẽ đau.
Có một lần, nhà mình định trồng cây thanh long từ hạt, mẹ và anh đã ngồi nhặt hạt thanh long được ít hạt ở đáy bát. Sau đó phơi khô cả tuần, thậm chí còn gieo hạt hình trái tim. Nhưng em đã tưới cả 1 gáo to đùng vào chậu cây bé tí, đấy, ngay cả khi hạt được gieo bằng nhiều tình yêu thương nhưng chỉ bất cẩn một chút thôi thì vẫn sẽ hỏng hết.
Bài học nhỏ về sự yêu thương và quan sát, nhưng để học được thì cần rất lâu và sẽ là hành trang mang theo suốt cả đời.
Khi trẻ được trồng một vườn cây thực sự, quá trình đào xới, tưới tắm, quan sát và trải nghiệm sự lớn lên của cây cối sẽ giúp trẻ kiến tạo nên sự hiểu biết về quá trình phát triển của sự vật. Những cảm nhận đó, các em khó có được nếu chỉ đọc và nhìn vào những bức tranh minh họa.
Hai vế của câu "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình" có lẽ đúng khi đặt cạnh nhau bố mẹ nhỉ!