1. BỐ MẸ DÀNH THỜI GIAN CHO CON NHƯ THẾ NÀO ?
Trong cuộc sống hiện đại, việc bố mẹ dành thời gian cho con không khó nhưng cũng không dễ. Có thể đối với nhiều bố mẹ thì việc này thật đơn giản. Nhưng đối với mình việc này thật nan giải.
Mình làm thiết kế tại VTV nên công việc của mình có guồng quay nhanh, áp lực thèo dòng tin tức sự kiện. Do vậy, thời gian khó có thể định trước. Việc sắp xếp thời gian là một vấn đề khó. Mình đã mất một khoảng thời gian khá dài để làm quen và định nghĩa lại cách dành thời gian cho con.
“Dành thời gian cho con” theo định nghĩa của mình là (1) Có sự chuẩn bị để chơi với con. (2) Trong thời gian ấy tương tác với con.
(1) Có sự chuẩn bị để chơi với con
Chuẩn bị ở đây gồm 4 phần: tâm lý, thời gian, ý tưởng, trò chơi/ đạo cụ/ giáo cụ. Ở đây mình sẽ chỉ đề cập đến: Tâm lý, Thời gian. Phần Ý tưởng, trò chơi mình sẽ đề cập ở phần sau.
Mình bắt đầu quan tâm việc chơi với con từ độ tuổi 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi. Vì độ tuổi này con bắt đầu đi học. Con bắt đầu có nhu cầu vui chơi giải trí nhiều hơn.
Mới ban đầu, mình nghĩ đơn giản việc dành thời gian cho con là kiểu đi làm về rảnh thì chơi với con, chơi gì thì chơi. Nhưng mọi việc thường không đơn giản thế. Vì khi ngồi chơi với con, tâm trạng của mình rất nhanh chán. Vì chẳng biết chơi gì. Nếu có việc còn dang dở thì tâm trạng sẽ bồn chồn không yên. Nhiều khi tự đặt câu hỏi, mình đang làm cái gì đây nhỉ ? Bao việc đang gấp sao ko làm lại đi làm nghịch với con ?
Để giải quyết vấn đề, mình thường cố gắng hoàn thành công việc ở cơ quan sau đó mới về nhà để tâm trí không còn phải suy nghĩ nhiều (hơi bị khó). Từ đó đến lúc đi ngủ 10h là dành cho con. Sáng dậy sớm làm tiếp nếu cần nếu không thì dành thời gian viết bài như này này.
Trẻ con, chúng có khả năng tự chơi mà chẳng cần đến bạn. Vậy thì bạn chơi với chúng để làm gì ?
Mục đích ?! Đúng thế, khác với trẻ con, người lớn chúng ta làm gì cũng phải có mục đích. Trước tiên bố mẹ nên tìm hiểu mục đích chơi với con để làm gì ? Nếu bố mẹ chưa có câu trả lời thì nên tìm hiểu trước. Có rất nhiều lợi ích mà khi bố mẹ hỏi anh google sẽ ra ngay kết quả.
Việc tìm hiểu mục đích rất quan trọng, nó giúp cho bố mẹ vượt qua những lúc bế tắc, mệt mỏi vì công việc.
Như vậy, sự chuẩn bị chơi với con cần bố mẹ giải tỏa hết lỗi lo công việc trước, và định sẵn dành một khoản thời gian chơi với con.
(2) Trong thời gian ấy tương tác với con.
Tất nhiên rồi, mình tin chắc bố mẹ trong group hiểu là chơi với con không phải là có mặt ở bên con và lăm lăm cái điện thoại. Mà phải là tương tác với con.
Để tương tác với con, mình thường xuyên tìm các trò chơi cho con qua sách, bắt chiếc các bố mẹ trên mạng làm đồ chơi theo hứng thú của con. Mình cũng chỉ dạy và chơi với bé khi cả hai cùng hứng thú.
Trẻ con thời gian tập trung ngắn chỉ từ 30-45 phút. Sau này sẽ tăng lên theo độ tuổi và mức độ hứng thú. Khác với người lớn, trẻ con có một thế giới của riêng chúng. Chúng có cách chơi riêng mà không đòi hỏi phải có mục đích. Có khi còn chẳng cần đến bố mẹ. Bạn chơi với con là vì bạn mà thôi. Ngoài lý do là bạn thích chơi với con ra thì bạn chơi với con để con có sợi dây tình cảm với mình. Bạn cần dạy con để sau này bạn không phải lo lắng về nó, để sau này bạn nhàn nhã hơn.
Chơi với con rất đơn giản. Bạn chỉ cần làm bạn với con, lắng nghe và thấu hiểu con. Và chơi nhiều sẽ quen, như bạn chơi với bạn bè vậy.
Tuy nhiên mình vẫn duy trì một luật: Không làm đau người khác. Không tự làm đau bản thân. Không phá hoại đồ vật. Khi con mắc phải một trong 3 điều trên, mình sẽ can thiệp ngay lập tức và đưa ra lớn nhắn theo nghĩa tích cực: VD như khi con ném đồ chơi thì nhắc “đồ chơi là để chơi” và lý do “Nếu con ném thế bạn sẽ bị đau đấy”.
Bản thân bạn cũng đừng quá gượng ép, nếu khi công việc chất đống, hãy nói cho bé biết để bé hiểu bạn.
Bên cạnh đó, còn có các điểm chạm khác như: đưa con đi học, đón con đi học về cái này cũng cần chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên quãng thời gian mùa đông này, ô nhiễm không khí bụi mịn tăng mạnh. Bố mẹ khi đưa con ra ngoài đường thì nên đeo khẩu trang chống bụi mịn nhé. Nếu chưa tìm ra chỗ mua thì Bé Mầm là địa chỉ bán khẩu trang chính hãng với giá rẻ ổn định, bố mẹ tham khảo nhé.
Nếu bố mẹ vẫn còn đang băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu thì có thể tham khảo một số cuốn sách sau:
Hai cuốn sách trên chia sẻ về một style sống khác giúp người đọc hạnh phúc hơn, bố mẹ tham khảo nhé.
Và xin chia sẻ một câu mình đọc được trên fanpage Bố con Sâu: "Đừng bắt con làm những thứ mà bạn không làm; và "đừng bắt con hạnh phúc, nếu bạn không hạnh phúc"!
TRAO CHO CON NHỮNG THỨ CON CẦN
1. Bọn trẻ thì biết gì mà cần với đủ ?
Đúng rồi ạ, và vì thế chúng ta trong vai trò bố mẹ là người gần gũi con nhất thì cần phải tìm hiểu con mình cần gì ?
Trước khi nói tiếp, mình muốn tóm tắt về mục tiêu và quan điểm cá nhân của mình về việc nuôi dạy con:
Mục tiêu của mình là cho con phát triển toàn diện (trong khoảng 6 năm đầu đời) vì mình tin vào nguyên tắc chiếc thùng gỗ: Một cái thùng với những thanh cao đồng đều sẽ chứa được nhiều nước hơn. Con người với những kỹ năng đồng đều sẽ tốt hơn.
Thêm nữa, mình được nuôi dạy kiểu con nhà nòi (họa sỹ) nên mình thực sự rất tò mò về các năng lực khác của mình: liệu ngoài khả năng mà hiện tại là chuyên môn về vẽ thiết kế ra mình còn năng lực nào khác hay không ? Mình muốn con mình không phải trả lời những câu hỏi đó mà được tìm hiểu và phát huy năng lực tiềm ẩn của con.
2. Thế mình không phải là con, sao biết con cần gì ?
Chắc bố mẹ cũng biết câu chuyện dưới đây:
Trang tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang tử nói: "Đàn cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó."
Huệ Tử nói: "Ông không phải là cá, sao biết cá vui?"
Trang Tử nói: "Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?"
Huệ Tử nói: "Tôi không phải là ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải là cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá!"
Trang Tử nói: "Xin hãy xét lại câu hỏi đầu. Ông đã hỏi tôi là làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi "làm sao mà biết"... Thì đây, làm thế này: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết được."
Vậy để biết con cần gì thì theo mình có 2 cách:
Cách đầu tiên là lắng nghe con. Cách này các mẹ làm tốt hơn các bố rất nhiều. Chỉ cần nghe tiếng khóc là biết con đòi ăn hay đòi ngủ. Mấu chốt là ở việc các mẹ gần gũi với con.
Cách thứ hai là tìm hiểu kiến thức qua sách vở và quan sát con. Cách này phù hợp với các bố hơn. Vì các bố còn phải đi làm mà, nên ít thời gian gần gũi con hơn. Nhưng từ 2 tuổi trở đi, bố đóng vai trò quan trọng trong vai trò phát triển tâm lý của trẻ, đặc biệt để tránh mặc cảm Edip.
Theo nguyên tắc chiếc thùng gỗ, tớ muốn cung cấp những kỹ năng còn thiếu cho con vì thế tớ ghi chép lại theo 3 nguồn. Để tìm hiểu được về những thứ con cần mình chia ra làm 3 góc phần: Độ tuổi của con, Gia đình và Nhà trường với 3 câu hỏi:
1 – Độ tuổi của con cần phát triển những kỹ năng gì ?
Bằng sách vở, internet, chúng ta dễ dàng tìm thấy các câu trả lời về các kỹ năng cần phát triển ở độ tuổi con con. Điều này cung cấp cho chúng ta cái nhìn chung về sức khỏe, kỹ năng mà bọn trẻ cần có.
Trong đó, mình thấy cuốn sách cụ thể và rõ ràng nhất là cuốn “Những giai đoạn phát triển từ 0-6 tuổi” của Shichida.
Hiện mình mới chỉ quan tâm đến độ tuổi này thôi. Bố mẹ có con ở độ tuổi khác vui lòng chia sẻ để group được biết.
2 - Ở nhà con được chơi những kỹ năng/kiến thức gì ?
Mình nhìn quanh thấy, các con bị ảnh hưởng bởi gia đình bố rất là nhiều như:
Ông bố MC Ninh Quang Trường thì dạy con tập nói.
Ông bố Sâu biết đàn hát thì dạy bé sâu hát.
Cá nhân nhà mình làm họa sỹ cũng có những ảnh hưởng nhất định tới con như con được tiếp xúc với các họa cụ; được quan sát ông và bố làm những việc liên quan tới nghề vẽ. Vì thế sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Trẻ em như là tấm gương ấy, sẽ phản chiếu tất cả những gì xung quanh.
Theo mình đây cũng là nguyên nhân mà con hay nối nghiệp cha mẹ kiểu "con nhà nòi".
3 – Ở trường con được học những kỹ năng gì ?
Trường mẫu giáo bây giờ áp dụng nhiều phương pháp dạy như Montessori, Steiner, Reggio Emilia.... Mỗi phương pháp dựa trên nền tảng triết lý khác nhau. Bố mẹ khi tìm hiểu các phương pháp sẽ cảm nhận thấy quan điểm nào phù hợp với con, gia đình và xã hội của mình.
Mỗi trường sẽ dạy kỹ năng theo cách khác nhau, bố mẹ có thể theo dõi với sự hỗ trợ của các cô như tuần này con hay chơi cái gì ? hứng thú với cái gì ?
Sau khi thu thập thông tin từ 3 nguồn trên, mình phân loại các hoạt động theo thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner. Thuyết đa trí tuệ là một lý thuyết về trí thông minh của con người được nhìn nhận bằng nhiều cách, mang tính đa dạng. Hiện danh sách trí thông minh của con người có 9 loại sau:
-
Trí thông minh ngôn ngữ
-
Trí thông minh logic - toán học
-
Trí thông minh âm nhạc
-
Trí thông minh thể chất
-
Trí thông minh hội họa không gian
-
Trí thông minh nội tâm
-
Trí thông minh tương tác xã hội
-
Trí thông minh thiên nhiên
-
Trí thông minh hiện sinh
Mỗi trí thông minh được thể hiện qua sự quan tâm của con người với các hoạt động khác nhau. Và tất nhiên các hoạt động cho dù được phân loại thì vẫn bổ trợ cho nhau và việc đánh giá chỉ mang tính tương đối.
VD như người thợ làm vườn thể hiện trí thông minh thiên nhiên của mình bằng việc phân loại các loài cây, tạo dáng cây, sáng tạo những khung cảnh nghệ thuật. Các hoạt động này cũng đòi hỏi trí thông minh về hội họa và không gian.
Việc tần suất hoạt động nào đó xuất hiện nhiều thể hiện rằng con có khả năng và hứng thú làm việc đó. Cũng giống như hiện tại người ta đánh giá một người phải trải qua 10.000 giờ làm một công việc nào đó mới trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Từ đó, mảng trí thông mình nào có tần suất xuất hiện ít thì mình sẽ cố gắng tăng hoạt động của mảng trí thông minh đó lên.
3. Con đang hứng thú với hoạt động, kỹ năng nào ?
Bằng việc con theo dõi tần suất hoạt động dựa trên lựa chọn của con, bố mẹ có thể biết được con đang hứng thú với hoạt động/kỹ năng nào và còn thiếu hoạt động/ kỹ năng nào.
Từ đó, bố mẹ có thể bổ sung thêm các hoạt động khác thuộc trí thông minh mà bố mẹ thấy con còn thiếu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ép con chơi hoạt động khác mà bố mẹ đưa ra.
Dưới đây là phương pháp mà một cô giáo mầm non theo phương pháp montessori đã chia sẻ với mình:
Bố mẹ sẽ xây dựng những lựa chọn hoạt động để chơi với con bằng nhiều hình thức như: để các hoạt động trên giá đồ chơi của trẻ để trẻ nhìn thấy và chọn lựa (giống ở các trường Montessori), hoặc nếu chọn địa điểm đi chơi thì bố mẹ có thể cho con xem ảnh các địa điểm chơi mà bố mẹ có thể cho con đi được.
Trong các hoạt động bố mẹ đưa ra sẽ gồm hoạt động con đang hứng thú, hoạt động mà bố mẹ thấy con còn thiếu.
Dựa trên các lựa chọn mà bố mẹ đưa ra, con lựa chọn hoạt động mà con muốn... cho đến khi con có thể tự đưa ra hoạt động cho mình.
VD nếu con đã chơi nhiều hoạt động vẽ (trí thông minh thị giác). Bố mẹ có thể giới thiệu cho con hoạt động số đếm (trí thông minh về toán) hoặc làm vlog (trí thông minh giao tiếp). Con hứng thú với hoạt động nào thì bố mẹ chơi với con hoạt động đó.
Dựa trên những lựa chọn và cảm xúc của con, bố mẹ sẽ biết phải thay thế hoạt động kế tiếp như thế nào ?
Với những hoạt động mà con đã hứng thú mà không lựa chọn nữa thì tức là bố mẹ phải tăng hoặc giảm mức độ khó của hoạt động đó. Có thể hoạt đó bé đã thành thạo và không còn hứng thú nữa, hoặc có thể khó quá bé không làm được nên nhụt chí.
Với những hoạt động mà nhiều lần con không lựa chọn thì nên thay thế bằng một hoạt động khác mà bố mẹ cho rằng sẽ hấp dẫn con hơn.
Bằng cách quan sát con, bố mẹ có thể đánh giá được kỹ năng, trí tuệ của con và đồng hành cùng con trong quãng đường tiếp theo. Kết
Nói thì lằng nhằng vậy thôi, chứ chỉ cần bố mẹ dành thời gian gần gũi, quan tâm tới con đúng mực thì sẽ không cần nhớ tới kiến thức mà mình tìm hiểu trên. Bản thân mình cũng phải cố gắng nhiều mới làm được như mình viết.
GHI DẤU BẰNG NHỮNG TRẢI NGHIỆM TỐT.
Bố mẹ có nhớ những kỷ niệm hồi bé không ? Từ 1-6 ấy ? Chắc khó.
Cá nhân mình nhẩm đếm lại thì chỉ có 5,6 khoảnh khắc mình nhớ mãi. Còn lại là hầu hết nghe bố mẹ ông bà kể lại.
Những khoảnh khắc mình nhớ được hầu hết đều liên quan đến cảm xúc như: vui vẻ, thương cảm hay hối hận... và những ký ức ấy đã ảnh hưởng đến kinh nghiệm sống sau này của mình. Những gì mình hối hận thì lúc lớn mình đã không bao giờ làm nữa. Còn những gì làm mình vui thì mình cũng mong muốn bé nhà mình được như vậy.
Chia sẻ với bố mẹ góc nhìn bản thân như vậy để bố mẹ hiểu mình đánh giá tầm quan trọng của trải nghiệm của con như thế nào.
Quãng tuổi từ 1-6 tuổi, trẻ chưa nhớ hết được. Nhưng chúng ta không thể nào biết khi nào trẻ ghi nhớ, và nhớ được bao nhiêu. Vì thế cách tốt nhất là nên cố gắng mang lại những cảm xúc tốt, những bài học ý nghĩa đều đặn cho con.
VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ GHI DẤU NHỮNG TRẢI NGHIỆM TỐT CHO CON ?
Theo mình, một trải nghiệm tốt theo mình mang phải đạt được 3 điều (1) mang lại niềm vui cho trẻ, (2) tạo hứng thú cho trẻ về hoạt động đó và (3) trong tương lai dài hạn trẻ phải có ý chí đạt được thành tích lớn hơn.
1. Điều gì mang lại niềm vui cho trẻ ?
Trước tiên bạn phải hiểu kỹ về con mình con thích điều gì ? Quan trọng hơn là bạn phải cùng con phân biệt cái con muốn với cái con cần ?
Hãy suy nghĩ thật kỹ điều gì TỐT cho trẻ chứ không phải điều trẻ muốn hay không muốn. Đối với những thứ trẻ thích thì tốt rồi. Bạn có thể chiều theo trẻ.
Còn nếu với những việc không tốt, bạn cần phải lắng nghe và tìm cách sáng tạo để hướng dẫn trẻ làm điều gì tốt cho mình, bởi vì đa số những điều này thường trái ngược với những gì trẻ muốn.
Cá nhân mình cũng thường đặt ra những ưu tiên cho con như: ăn, ngủ là 2 ưu tiên hàng đầu. Cho dù trẻ đang làm gì say mê cũng phải tìm cách ngắt ra mời lên bàn ăn. Hay cũng ưu tiên giấc ngủ của con, cho con đi ngủ sớm nếu ngủ muộn cố cho ngủ đủ giấc bởi tuổi chúng nó là tuổi ăn tuổi ngủ.
Đối với cá nhân mình và với nhiều ông bố bà mẹ thì điều này mâu thuẫn và cản trở công việc của bố mẹ. Mình đã và đang rất khó khăn để mình thích nghi được với nó.
Nhà mình cũng đặt ra 1 vài giới hạn cho bé như mỗi ngày chỉ được ăn một viên kẹo, hay quy định tủ đồ chơi của bé như thế nào... Trẻ con cần có giới hạn để phát triển hạnh phúc và khỏe mạnh. Và đó cũng là cách để trẻ rèn luyện bản thân.
2. Tạo hứng thú cho trẻ về hoạt động đó
Bố mẹ biết không ? Có những điều làm mình thật sự bất ngờ khi nuôi dạy con. Một trong những điều là mình học được cách tạo hứng thú cho trẻ bằng cách lắng nghe. Lắng nghe – thay vì bày trò cho nó thấy thích thú.
Kỹ năng “Lắng nghe” này mình còn đang thực hành va cũng không tiện trình bày ở đây, bố mẹ tìm hiểu cuốn: “Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói nhé”
Yếu tố tiếp theo thì phụ thuộc vào sự sáng tạo của bố mẹ rồi! Ban đầu làm cho trẻ kích thích và vui vẻ để não liên kết với điều tích cực.
Dạy trẻ làm những công việc đơn điệu trong những năm đầu vì đó là nền tảng làm việc hiệu quả trong tương lai: Những công việc đơn giản hàng ngày như lau nhà, dọn đồ chơi, treo quần áo, ăn trưa, vắt cam, gọt hoa quả, giặt quần áo, tưới cây.... Khi trẻ con bé, hãy tránh những hoạt động có khả năng kích thích cao như điện thoại, phim ảnh.
Mình ở nhà luôn cố gắng chuyển đổi những thứ hình phạt thành trò chơi đóng vai và biến việc trẻ không thích làm thành những trò chơi. Cách làm này khiến trẻ vừa vui vẻ vừa chấp nhận theo ý mình.
3. Trong tương lai dài hạn trẻ phải có ý chí đạt được thành quả to lớn hơn
Trẻ càng ngày càng lớn, và càng lớn thì sẽ dần phải tham gia các hoạt động xã hội: có làm có hưởng, dần dần sẽ không còn trong tay bố mẹ chu cấp nữa. Mình hay để con tập làm quen với điều đó bằng cách:
- Dần dần gia tăng thời gian chờ giữa “Con muốn” và “Con có”. Ví dụ khi con muốn có cái gì nằm ngoài kế hoạch của 2 bố con thì mình đều từ chối bằng cách: con đã có nhiều ... ở nhà rồi, không cần mua nữa. Hoặc nói với bé con tự mua nhé vì bố không có đủ tiền, thường thì bé để tiền ở nhà,
- Dạy trẻ về việc chờ đợi để có cái gì đó: đơn giản nhất là để trẻ xếp hàng thanh toán khi đi siêu thị, hiệu sách. Hay gần đây nhất là Noel, mình đã bày quà trước đó mấy ngày để trẻ háo hức mong ngóng được bóc quà, nhưng mình chỉ rõ trên lịch đến tối ngày 24 mới được bóc. Để trẻ đợi - Điều đó có nghĩa trẻ đồng ý với một khoảng thời gian nhàm chán – đó là bước đầu của sự sáng tạo.
Phía trên là về cá nhân bé, một phần lớn những trải nghiệm khác đền từ các mối quan hệ xã hội, mà trong đó bố mẹ là những mối quan hệ đầu tiên và là hình mẫu cho trẻ.
4. Kết nối cảm xúc với trẻ
Theo mình có 3 cách kết nối với trẻ:
- Bố mẹ sẽ kết nối khi chăm sóc trẻ như lúc tắm rửa, cho con ăn, cho con đi ị, đi tè... nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, hay là tự an ủi rằng bố mẹ cố mà tận hưởng điều này khi chúng nó còn bé.
- Bố mẹ dành những khoảng thời gian cố định chơi với con như buổi tối: đọc sách, chơi trò chơi,... Sau bữa tối gia đình, cùng chơi chung 1 trò chơi, cùng đi dạo ngoài trời hay cuối tuần cho trẻ đi chơi ở đâu đó. Tiếp xúc nhiều sẽ thấy hiểu và yêu con hơn.
- Ngoài những khoảng thời gian bố mẹ đã dành cho con thì thi thoảng làm con bất ngờ bằng những phá lệ theo sở thích chung như tan học về đi ăn thịt xiên nướng, viết thư cho con, cho con đi mua bánh mà con thích... nói thật nhé, chỉ có tình yêu mới làm được những điều đó.
5. Dạy trẻ kỹ năng xã hội
Bé nhà mình mới chập chững bước vào tuổi quan hệ xã hội, nên mình cũng chưa có nhiều thứ để chia sẻ với bố mẹ.
Tuy nhiên có những điều mà bất kỳ ai cũng cần phải: Dạy trẻ về việc chia sẻ, đợi đến lượt, Sự thỏa hiệp, cách khen ngợi người khác, cách sử dụng câu nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn"...
Ngoài ra có những cách khác để mang lại những trải nghiệm cho trẻ như:
- Tạo cơ hội cho trẻ suy nghĩ: bằng kinh nghiệm cá nhân mình thấy khi trẻ suy nghĩ trẻ sẽ nhớ lâu hơn. Thêm nữa, đây cũng là tập cho trẻ suy nghĩ độc lập.
- Tạo thói quen cho trẻ: Gieo hành động – gặt thói quen, cứ làm nhiều khắc sẽ ghi nhớ và thành thạo. Với phương án này hầu hết là những hành động mà bố mẹ nghĩ là tốt, nhưng trẻ thì ko nghĩ thế. Xin bố mẹ hãy lưu ý là khi áp dụng cách này hãy lắng nghe trẻ nhé, nếu trẻ không thích mà bị ép làm thì sẽ tạo ra cảm xúc không tốt cho trẻ. Hãy khuyên nhủ, thuyết phục trẻ hết sức.
- Tạo ấn tượng: Nếu bạn muốn gây ấn tượng cho bé thì hãy cẩn thận. Có thể bé nhà bạn sẽ không thích điều đó như bạn tưởng tượng và sẽ rơi vào tình huống không thể lường trước.
VD như đối với những con vật mà người đóng giả, cosplay. Có nhiều trẻ thích nhưng cũng có nhiều trẻ nhìn thấy đã sợ khóc thét.
Hay một trải nghiệm tệ của mình:
Hồi bé lớn nhà mình 10 tháng tuổi, mình cho bé đi bơi. Dù đã tìm hiểu, nhưng cái bể bơi mà mình đến đó không dành cho trẻ em, cũng đầy mùi clo. Nhưng với tâm lý, đã đến rồi thì bơi 1 chút cũng được. Cốt là để cho bé tập phản ứng với nước nên mình vẫn cho bé xuống.
Cái bể ấy mùi clo không phải là tệ nhất. Mà còn có 1 thanh niên tự kỷ cứ nhìn bé từ đầu đến cuối buổi bơi và ngày càng tiến lại gần. Và do chưa có kỹ năng cho bé bơi nên đã trượt tay để bé uống 1 ngụm nước và khóc ré lên.
Nhiệt tình + thiếu hiểu biết nên tạo ra một trải nghiệm không tốt. Mà mãi sau này mới nhận ra là có thể trải nghiệm ấy làm bé nhà mình sợ nước.Có thể có lí do khác nhưng cảm giác áy náy kiểu giá như hồi đấy...
Nếu bạn lỡ tạo ra một trải nghiệm xấu: Ngay lập tức hãy rút ra bài học cho bé và cho chính bạn. Sau đó hãy nỗ lực cải thiện nó.
Thời gian sau mình vẫn cho bé đi bơi và chơi nhưng rất cực và bé thường khóc. Mình vẫn tìm các cách để bé ham muốn chơi với nước nhưng đến giờ mới giảm được phần nào.
Cũng từ cái áy náy đó mà mình muốn chia sẻ với bố mẹ các địa điểm đi chơi qua group này. Vì khi còn bé ấn tượng với các con rất là mạnh, và các con cũng chưa có nhận thức để rút kinh nghiệm. Trải nghiệm lúc này do bố mẹ xây dựng cho con là chính. Mong rằng những năm tháng đầu đời của các con có những trải nghiệm tốt.
Một lần nữa, sau khi viết xong bài, mình lại ước ao, ước gì mình làm được hay như viết.
Làm bố mẹ là một việc khó khăn, bố mẹ hãy chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt, thời gian rộng rãi và tâm lý để vượt qua nhé!
-----
Nếu bố mẹ vẫn còn đang băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu thì có thể tham khảo một số cuốn sách sau:
-
Một cuốn sách về tối giản. Link mình review: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10214042382386672&set=a.10212455581757648&type=3&theater
-
Lagom vừa đủ.
-
Nguyên lý chiếc thùng gỗ: http://cafebiz.vn/nguyen-ly-thung-go-thung-muon-chua-nhieu-nuoc-thi-phai-thay-thanh-go-gan-nguoi-muon-bao-ve-ban-than-phai-tu-tim-diem-yeu-cua-minh-20181116010950341.chn
-
Sách: Phương pháp giáo dục Montessori - thời kỳ nhạy cảm của trẻ: https://www.facebook.com/groups/322277391670989/permalink/372760946622633/
-
Thuyết đa trí tuệ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BA%BFt_%C4%91a_tr%C3%AD_tu%E1%BB%87
-
Youtube Channel MC Ninh Quang Trường dạy con tập nói: https://www.youtube.com/baninhninh
-
Youtube Channel Bố con sâu: https://www.youtube.com/channel/UCACc3-yYIZTb-3IPVKDCdHA?view_as=subscriber
-
Nói sao để trẻ chịu nghe – nghe sao cho trẻ chịu nói. Link review: https://www.facebook.com/groups/322277391670989/permalink/403361903562537/
-
"7 Nguyên tắc thành công" của Jack Canfield