Những lầm tưởng của mình về đọc sách "cho" con.
Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng có một hành trình đọc của riêng mình và học những bài học rất riêng về việc đọc sách. Bằng tình yêu với sách, mình cũng quan tâm tới việc đọc sách cho con. Kể từ khi nuôi dạy con, mình đã đọc không ít bài báo, cuốn sách, diễn giả nói về việc đọc sách cho con với nhiều lợi ích. Thế nhưng ít ai nói đến những hiểu lầm về việc đọc sách, nhất là đọc sách cho trẻ. Vì thế bằng những bài học của riêng mình trên hành trình đọc sách, mình xin chia sẻ với bố mẹ những câu chuyện sau:
Chuyện 1: Một bà mẹ gặp một "thầy tu" (thầy này là một người nổi tiếng và có tên rõ ràng, khổ cái mình chưa nhớ ra) và muốn thầy khuyên con mình từ bỏ thói quen ăn kẹo. Thầy tu hẹn một tháng sau quay lại.
Bà mẹ nghe lời và một tháng sau quay lại. Khi gặp lại, thầy tu chỉ khuyên đứa trẻ đừng ăn kẹo nữa. Bà mẹ thấy thế thắc mắc rằng Tại sao chỉ khuyên một câu đơn giản thế mà cần đến 30 ngày? Thầy tu trả lời rằng: Thầy mới bỏ ăn kẹo được 1 tháng. Bỏ ăn kẹo thực sự khó.
Vì vậy, việc đọc sách cùng con nên xuất phát từ chính bản thân bố mẹ yêu thích việc đọc trước. Bố mẹ đọc sách của bố mẹ. Con đọc sách của con. Khi con chưa biết chữ thì bố mẹ đọc giúp con. Ngoại trừ việc làm gương cho con thì đây cũng là cách để thế giới tâm hồn của bố mẹ phong phú thì mới thể sẽ truyền cảm hứng và kiến thức cho con. Mình không thể cho người khác nếu mình không có phải không bố mẹ ?
Chuyện 2: Chuyện kể rằng, có hai ông cháu sống cùng nhau. Mỗi sáng, người ông đều dậy sớm đọc sách, dù những cuốn sách đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình.
Một ngày, cậu hỏi: "Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu chúng. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên ngay. Vậy đọc sách có ích lợi gì đâu?".
Người ông liền đứng dậy, lấy hết than đang đựng trong giỏ rồi đặt tất cả vào lò, sau đó nói: "Cháu hãy mang giỏ này ra bờ sông và mang nước về giúp ông nhé!".
Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước đã chảy ra hết trước khi cậu kịp quay về. Người ông liền cười và nói: "Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa". Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.
Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói: "Chúng ta không thể đựng nước trong giỏ này được", và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.
Người ông liền nói: "Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi". Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra sông lấy nước lần nữa.
Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời nên cậu cố chạy nhanh hết sức, song, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói: "Ông nhìn này, thật là vô ích!".
"Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!", người ông đáp.
Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì hình ảnh một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và dơ bẩn, nó trông rất sạch sẽ.
"Đó là những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ từ từ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, giống như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy".
Mình cũng có tính tham lam và lý thuyết. Thế nên, khi cho con đọc một cuốn sách nào đó đều muốn con phải hiểu biết thêm 1 điều gì đó. Thành ra gây áp lực cho chính mình và con làm cho việc đọc sách không vui, không bổ ích nữa. Từ những bài học của bản thân, mình đã buông bỏ kỳ vọng đọc sách. Đơn giản, đọc sách là chỉ đọc sách thôi. Đọc sách vì niềm vui. Con thích trang nào, hãy đọc cho con. Chứ không nhất thiết phải đọc hết cuốn sách một cách tuần tự.
Chuyện 3: Trong một buổi cafe với một cô giáo mầm non. Nhà mình mang bộ bút và giấy màu đi để cho con vẽ. Bố mẹ rảnh rang có thể trò chuyện được với cô giáo. Khi đó, mình đã đưa cho con cả giấy và bút để cho con tự chơi. Cậu mới vẽ một lúc xong chán, chuyển qua trò khác chạy rầm rập khiến cho chủ quán nhắc nhở. Thế là cô giáo bèn lấy 1 bộ bút khác trong cặp cô và đưa cho con chọn, con được chọn 2 chiếc một và giao hẹn, khi nào con vẽ xong hai chiếc bút thì đổi bút khác cho con. Sau đó vì có bút mới con lại tiếp tục vẽ. Một lúc sau anh vẽ chán, liền đổi bút. Cứ thế lặp lại, và thời gian anh ngồi vẽ khá lâu.
Hồi bé lớn được 2,3 tuổi, mình thường mua nhiều sách cho con, với suy nghĩ là : đằng nào cũng phải mua, mua một lần cho tiết kiệm. Rồi về cứ để chỗ con dễ nhìn thấy rồi nó sẽ tò mò đọc thôi. Một kế hoạch tưởng chưng nhưng không có lỗ hổng.
Thực tế là, việc đó có hiệu quả nhưng trẻ rất mau chán và đọc tràn lan từ quyển nọ sang quyển kia và thường không nhớ hết truyện (trừ một số cuốn con thích). Hậu quả nặng nề nhất là ở việc dọn nhà, sách luôn bị bày bừa, gạt từ tủ xuống đất chất thành đống.
Bí mật là chỉ đưa ra một số ít quyển quyển sẽ có hiệu quả tốt hơn. Như thế trẻ chơi sẽ lâu hơn và đọc cũng tập trung hơn. Bài học này khá mâu thuẫn về lợi ích kinh tế: mua nhiều thì rẻ hơn, và mua 1 lần đủ bộ. Nhưng thực tế thì mua về mà trẻ ko đọc thì rất lãng phí, thực tế nhà mình lãng phí rất nhiều về cả mặt đồ chơi, lẫn mặt sách truyện, màu vẽ.
Bố mẹ có thể mua từng ít một / hoặc mua cả bộ nhưng lấy ra từng quyển. Hoặc nếu biết con đang quan tâm đến chủ đề nào bố mẹ có thể mua và đọc dần 5-7 cuốn cùng 1 chủ đề (bộ sách) để có cái nhìn bao quát hơn và thường thì đọc những quyển sau thấy dễ hiểu và thấm hơn quyển trước.
Chuyện 4: Có một lần đang ngồi làm việc, bạn mình bèn kêu ca về việc mua phải sách kèm chất lượng mặc dù đã mua sách có logo nhà xuất bản. Kếm chất lượng ở đây của mình là: từ ngữ xấu xí, khó hiểu, tranh vẽ không đẹp. Nghe thế, mình chợt như bừng tỉnh sau bao lâu mê muội. Bấy lâu nay, mình vẫn chọn sách cho con một cách sơ sài: nhìn vào chất lượng mỹ thuật (cái này nó là bệnh nghề nghiệp), nhìn vào logo nhà xuất bản và chọn mua luôn.
Sự thực là khi con còn nhỏ, con chưa có bộ lọc như người lớn nên mọi từ ngừ khi vào tầm tai con sẽ được lặp lại. Bố mẹ là người đọc sẽ chịu hậu quả trước mắt là phải giải nghĩa cho con. Đối với các con việc chọn sách chất lượng tốt rất quan trọng.
Chuyện 5: Trong một lần tham gia hội thảo của chị Hoài Anh - một tác giả sách dành cho trẻ em. Chị chia sẻ về chuyện đọc sách cho con:
-
Thói quen đọc sách của trẻ KHÔNG phải là “sở thích” bởi vì em bé nào sinh ra cũng được ban tặng bản năng tò mò, khám phá thế giới.
-
Thói quen đọc sách cũng không bị tác động bởi “cá tính của trẻ” vì em bé hiếu động, nhút nhát hay cởi mở đều thích.
-
Thói quen đọc sách cũng không phải hay là một hành động tự nhiên vì không phải một ngày đẹp trời, em bé tự nhiên thích đọc sách.
Mình ngẫm lại, thấy đúng thật. Mọi khi mình thường mang sách ra để "đổ đầy" kiến thức cho con mà không lắng nghe con đang quan tâm đến điều gì. Sau hội thảo, mình ngộ ra là phải làm ngược lại, con đang quan tâm đến điều gì, mình sẽ chia sẻ cuốn sách có điều đó cho con để con tìm hiểu, quan tấm đến sách.
Bố mẹ có con ở độ tuổi 3,4 sẽ thấy trẻ thường xuyên hỏi Vì sao ? Tại sao ? - những câu hỏi thể hiện bản năng khám phá. Đây là điều kiện rất tốt để những "mầm non yêu sách" nảy mầm.
Chuyện 6: “Vị thần sách chỉ trú ngụ trong một câu duy nhất!”
Bố mẹ ạ, đối với em thì đó là một câu nói đầy dẫn dụ và thách thức những đứa trẻ có bản năng tò mò, khám phá thế giới. Nhưng để bé không thất vọng, ngay khi bé quan tâm thì em sẽ giải thích rằng: “Mỗi vị thần có khả năng ban tặng sức mạnh hiểu biết cho người đọc nếu gặp được” thay vì “Đọc sách đi, con sẽ biết”, có màu mè quá không bố mẹ nhỉ?
Em còn nhớ câu chuyện về những bà mẹ Do Thái, ngay từ lúc đứa trẻ còn được ẵm ngửa, bà mẹ đã nhỏ vài giọt mật ong lên cuốn sách và cho bé liếm. Bằng cách này, trẻ sẽ có ấn tượng rằng sách là thứ gì đó rất đỗi ngọt ngào và thơm tho.
Mỗi độ tuổi khác nhau có nhận thức khác nhau. Vì thế cách dẫn dụ trẻ cũng khác nhau. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ sớm nhận ra đọc sách không phải là sở thích, không phải cá tính của trẻ hay một hành động tự nhiên xuất hiện và tồn tại. Đó là một thói quen. Mà “gieo hành động sẽ gặt thói quen”.
Ah, bố mẹ đừng tin vào công thức “21 ngày hình thành một thói quen mới” nhé! Vì nếu sau 21 ngày, bố mẹ dừng lại thì hỏng rồi. Em thấy thói quen đọc sách giống như lý thuyết “hòn tuyết lăn hơn”. Ban đầu, chỉ có một viên tuyết nhỏ lăn xuống. Nhưng mỗi khi lăn, nó kéo theo cả những viên tuyết trên đường đi. Kết quả, viên tuyết nhỏ xíu ấy sẽ ngày càng trở lên to hơn, lăn mạnh hơn, với tốc độ nhanh hơn.
Hành trình đọc sách cũng vậy. Ban đầu, bố mẹ dẫn dụ con từng chút một. Bằng cách để sách nằm ở những nơi con dễ nhìn thấy. Bằng cách xây dựng tủ sách gia đình. Bằng cách đọc sách trước mặt con, trở thành tấm gương cho con.
Những bước đầu tiên bao giờ cũng vất vả, nhất là những đêm khàn tiếng vì đọc sách cho con. Nhưng bố mẹ sẽ tự hào rằng, không có bất kỳ app, hay máy đọc sách nào có thể thay thế bố mẹ đọc được sách cho con. Vì chẳng có ứng dụng nào có thể hiểu con, có thể ứng dụng “kiến thức marketing” vào đọc sách cho con, rồi thêm thắt vào những chi tiết “vô tình” liên quan đến cuộc sống của con và chẳng lần đọc nào giống lần nào. Nuôi dưỡng tính yêu đọc sách cũng là nuôi dưỡng cảm xúc, sợi dây GẮN KẾT tình cảm gia đình, và nuôi dưỡng niềm vui thích học hỏi, khám phá.
Cuối cùng, khi “đọc sách” trở thành một quả tuyết khổng lồ thì bố mẹ đã nuôi dưỡng thành công một em bé tự học. Với kỹ năng tự học này, con sẽ tự tìm được "những vị thần trú ngụ trong những cuốn sách" giúp con khai mở những sức mạnh bên trong con.