Ảnh Hoan
Việt Nam
Điện thoại: +84 ( 0) 902 237 889
Email: hoandesign01vn@gmail.com
Dạy trẻ qua dự án
Hành trình thăm em [Nậm Pồ - Điện Biên]
Ngày đăng: 13/12/2020 - 510 lượt xem

Phần 1: LỌ NUÔI EM.

---
I. Lọ nuôi em
Chuyến hành trình “Thăm em” bắt đầu từ khi mình nhận “em nuôi” qua chương trình “Nuôi em tại website nuoiem.com. Từ những bữa cơm tối bé nhà mình chán ăn, mải chơi không ăn, hay chê cơm nhà ít món. Thế là mình hay kể cho bé về những người ngheo, những gia đình nghèo trên núi còn thiếu thốn không có cơm ăn hay thi thoảng ti vi có nói đến mình cũng chỉ cho bé xem.
Đối với mình, hành trình thăm em là một hành trình đặc biệt. Hai vợ chồng mình quen nhau từ những nhóm tình nguyện, hoạt động xã hội và luôn trăn trở tìm kiếm những chuyến đi thiện nguyện đích thực và phù hợp cho con. Đi để làm sao làm trẻ được chứng kiến, được hiểu rằng mình may mắn đến chừng nào ? Đi làm sao để bé biết yêu thương chia sẻ từ sớm ?
Trước đó, mình cũng đã cho bé tới thăm 1 làng trẻ mồ côi tại Hà Nội. Nhưng chuyến đi ấy giúp mình nhận ra cách đi như thế không phù hợp với trẻ, và trẻ cũng không nhận được giá trị gì nhiều. Còn chuyến đi này, mình cảm thấy bé cũng đã cảm nhận được một phần nào tinh thần điều mình muốn truyền tải.
Mình chọn nuôi một bé tại tỉnh Điện Biên để có thể đi thăm em nuôi. Sau khi nuôi em gần 1 tháng thì mới biết thông tin của em nuôi có cả ảnh em, mình đã làm một cái lọ có in ảnh em nuôi và dán lên 1 cái lọ để trên bàn ăn cơm.


Hàng ngày, mình nhắc nhở bé chia sẻ cơm (5k) cho bạn ăn. Đó cũng chính xác là số tiền mỗi ngày mình góp cho em nuôi mỗi ngày, từ 150k/ tháng. (Số tiền này được sử dụng thế nào mình sẽ chia sẻ ở sau nhé).
Thi thoảng, mình lại nhắc về chuyến thăm em và ướm chừng với anh là một chuyến đi rất dài và rất khó khăn đấy, vì nhà bạn nghèo và ở rất xa. Con có dám đi không ?
Thông tin về chuyến thăm em.
Lúc đăng ký mình chỉ xác định là sẽ đi thăm em ở tỉnh Điện Biên thôi chứ cũng không biết em ở đâu. Cho đến khi có thông tin về chuyến thăm em, để cho bé nhà mình (4t) đi mình đã tìm hiểu kỹ đường đi địa điểm. Dựa trên thông tin nhóm cung cấp mình chỉ xác định được:
Nậm Pồ là tỉnh giáp biên giới Lào, xa xít tắp. Nậm Pồ cách đây 3 năm là huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên. Điện Biên lại là tỉnh nghèo thứ 3 cả nước. Độ dài quãng đường mình sẽ đi là khoảng 370km, sẽ phải đi xe buýt ra bến xe, đi xe khách tới Điện Biên và chuyển xe đi xuống tuyến xã, sau đó đi xe máy vào bản. Nhưng không hình dung được đường đi như thế nào nơi ăn, chỗ nghỉ.
Sau đó mình lên google tìm hiểu về địa điểm đến, xem hình ảnh nó ra sao để có những hình dung cơ bản về nơi đến. Thực sự có con nhỏ nên mới tìm hiểu kỹ vậy, chứ thực hồi trẻ đi 1 mình thì cứ lên xe mà đi thôi.
Tuy xa và không biết trước điểm đến là vậy, nhưng lại nghĩ là đi đoàn đông người nên có thể nhờ vả mọi người chứ đi xa như thế mà chỉ đi hai bố con cũng ko dám. Vì thế trong đầu luôn xác định, nếu đường đi vượt quá giới hạn của bé thì bố con mình sẽ dừng chân ở lại địa điểm gần nhất chờ đoàn đi về.
Trước khi lên đường 1 tuần, mình vận động bé nhà mình chia sẻ đồ chơi của bé với "các bạn nghèo" được 1 túi gấu bông, và một ít đồ chơi.
Hành trang hai bố con mang gọn nhẹ nhất có thể (nhưng vẫn cồng kềnh nhất đoàn) gồm: 1 túi đồ cá nhân của bé gồm đồ ăn nhẹ: bánh, sữa, xúc xích (mình xác định là cho bé trải nghiệm món ăn nhà nghèo nên không mang đồ ăn đi), quần áo để thay và quần áo rét vì trên Điện Biên, ngày ấm nhưng sáng sớm và tối rét cực.
Đêm trước hôm lên đường, mình hồi hộp và áp lực như khi lead các nhóm tình nguyện hồi trẻ vậy.
NUÔI EM là hoạt động thiện nguyện uy tín mà bản thân mình biết từ lâu. Khi ấy mình và Hoàng Hoa Trung (chủ nhiệm dự án) tham gia cuộc thi Siêu Thủ Lĩnh trên VTV6. Hồi đó bạn ý chỉ chuyên gây quỹ xây trường, nhưng từ 2013 đến nay mở rộng ra thêm nuôi xem, bình lọc nước gốm, tủ đồi chơi cũ… thành hệ sinh thái. Hiện nay chương trình có tới 10 điểm nuôi em trên cả nước với 12000 bé.

Phần 2: Hành trình

Trên xe.
Chiều ngày hôm đó, hai bố con mình bắt xe buýt BRT ra bến xe Yên Nghĩa để tập trung cùng nhóm tình nguyện và các anh chị nuôi khác. Như bao chuyến đi tình nguyện khác, trao đổi qua mạng mãi, đến khi đi mới biết mặt người đi cùng. Trên chuyến xe có những anh chị nuôi từ miền Nam ra để thăm, vừa xuống sân bay là bắt xe ra bến xe luôn để kịp lên đường.
Từ Yên Nghĩa, đoàn sẽ đi xe khách giường nằm Huyền Anh lên Điện Biên. Mình tính tổng thời gian ngồi trên xe khoảng 14 tiếng. Xe chỉ dừng lúc 9 rưỡi 10 giờ tối để ăn khoảng nửa tiếng.
Nhà xe Huyền Anh có xe cũ và xe mới. Xe mới thì rộng và thoải mái hơn xe cũ. Khi đi về bằng xe cũ, mình thấy chật, chắc mẩm sẽ mua thêm vé cho hai bố con thoải mái. Tuy nhiên, nhờ nhóm tình nguyện có lời mà nhà xe không thu thêm phí.
Trên xe ko có nhà vệ sinh, nên mình rất lo trong trường hợp con có nhu cầu đi vệ sinh. Đến khi hỏi lái xe thì họ bảo nếu cháu có nhu cầu thì cứ bảo tài xế dừng lại để xuống giải quyết thôi. Nhìn chung nhà xe khá chu đáo và tận tình. Chỉ có điều là trên đường đi họ dừng, bắt khách và lấy hàng cũng nhiều. Nhưng đó là đặc thù của xe khách rồi.
May sao, bé lên xe chơi một lúc, ăn bánh và xúc xích cô chú tình nguyện cho. Các cô chú ngồi ăn với nhau, họp rả rích rồi phát thẻ thăm em cho anh chị nuôi. Bé nhà mình cầm thẻ và hỏi mãi vì sao có thẻ các thứ các thứ. Đây là lúc bố mẹ chia sẻ cho bé về an toàn thông tin. Bé xem một lúc rồi trèo lên người bố ngủ cho đến tận chỗ nghỉ.
Ở chỗ nghỉ, cả đoàn xuống ăn cơm. Mỗi mâm 6 người như ăn cỗ ấy, nhưng không ngon, phần vì chỗ đó nấu ăn cũng cũng không ngon lắm, phần vì đi đường xa chẳng ai muốn ăn mấy. Dù sao thì, quán lúc đi ăn cũng ngon hơn lúc về (Tuần Giáo – Điện Biên). Bé nhà mình cũng chỉ uống sữa, ăn xúc xích.
Tách đoàn, chia nhóm
Theo kế hoạch, đoàn tình nguyện sẽ chia ra và đi thăm các huyện, xã khác nhau theo ở nơi có em nuôi của các anh chị nuôi đăng ký đi thăm và theo nhu cầu khảo sát của nhóm tình nguyện. Do đó, các nhóm lần lượt sẽ xuống Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Mường Nhé.
Nhóm mình theo kế hoạch xuống xe ở Nậm Pồ, điểm xuống xe chuyển tiếp cũng là nhà anh chị làm trong ngành giáo dục. Nhà anh chị có một bé gái. Bọn trẻ con bắt sóng với nhau nhanh vô cùng. Ban đầu chỉ là cho nhau cái bánh cái kẹo, mà lúc sau chúng nó đã đem cho ngan, cho chó ăn hết bánh gạo rồi!

Xem trên kế hoạch đi, mình thấy đoàn đi ở Nậm Pồ khá đông, cỡ 20 người, nhưng trên thực tế thì ở huyện các nhóm lại chia ra đi các xã. Đến khi chia nhóm mình thì chỉ còn 2 bố con mình (anh chị nuôi) + 1 bạn tình nguyện viên là nữ tên Hương đi xã Nà Hỳ - Nậm Pồ.
Đường đi từ Hà Nội tới Điện Biên khá thẳng. Đường từ Điện Biên vào Nậm Pồ thì không còn thẳng nữa. Và từ Nậm Pồ vào xã Nà Hỳ thì đường cong còng quèo đến chóng cả mặt, ngủ không ngủ được, chỉ có say xe là ngất ra thôi. Có đoạn thấy nó ngồi thụp xuống dưới sàn xe, mặt nhắn nhó. Mình hỏi: “Con sao thế ? Say xe ah ?”. Nó ngẩng lên bảo: “Xúc xích, con muốn ăn xúc xích”. May là bé chỉ đói chứ không sao.
Vượt qua từng ấy con đường, hầu hết toàn ngồi trên xe không quá khó khăn. Gọi là không quá khó khăn vì trên đường mình vẫn nhận thông tin từ các đoàn khác kiểu như là: xe nhóm em chuẩn bị lội suối, nhóm thì gặp phải đường đang sửa chữa phải dừng lại lâu, đoàn thì đang đi xe máy tới bản... rồi lúc về lại được nghe kể: “đoàn của em phải đi leo núi vào điểm trường, không có sóng không cập nhật được tình hình, cứ ngỡ nếu có mưa thì phải ở lại luôn 7 ngày.”
Nà Hỳ chào đón bố con mình bằng màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ xen kẽ hoa lá ngón. Lá ngón ở đây mọc nhiều, rất màu mỡ, là loài cây mà chỉ ăn 3 lá là nguy kịch, thêm vài hạt muối thì ko có cách nào cứu được.
Xe khách đưa nhóm mình đến trước cổng nhà cô hiệu trưởng trường Nà Hỳ để ở nhờ và ăn nhờ với sự dặn dò tận tình của các bạn tình nguyện viên. Cô hiệu trưởng cũng có hai cậu con trai. Đứa bé sàn sàn tuổi bé nhà mình nên hai đứa cũng bắt sóng và quậy tưng bừng.
Nhà cô hiệu trưởng cách chợ không xa, lại đúng hôm chợ phiên, thế là mình rủ nhóc nhà cô hiệu trưởng ra chợ chơi - làm hướng dẫn viên cho mình luôn. Thằng bé huyên thuyên đủ thứ trên trời dưới biển... từ chợ dân sinh đến chợ người Mông, nhà họ hàng nó, nhà bạn lớp 1, nhà bạn lớp 6... cuối cùng ba chú cháu vào chợ chơi mua bim bim, mua cá nướng về ăn trưa. Bà bán cá nướng kể bà ý bán ngon nhất chợ Nà Hỳ, có lễ thế thật, vì mình thấy mỗi bà ý bán.

Chiều nay, nhóm mình sẽ đi thăm nhà em nuôi và khảo sát một số điểm trường khó khăn nhất của xã Nậm Pồ bằng xe máy.

Phần 3: Thăm nhà em nuôi.

Chiều nay, bố con mình sẽ làm việc mong chờ nhất chuyến đi. Đó là tới thăm nhà em nuôi tên Linh. Đưa bố con mình và bạn tình nguyện viên tới nhà bé Linh là cô hiệu trưởng trường Nà Hỳ và bé trai con của cô. Hai đứa sáng và trưa nay đã quẩy rất mạnh. Theo đoàn, còn có cô giáo mầm non lớp Linh dẫn đường.
Đối với thằng bé, ấn tượng chia sẻ 5k cho 1 bạn mỗi ngày làm nó nhớ rất rõ bạn tên là Linh, và tò mò không biết bạn như thế nào, nhà nghèo như thế nào ?
Chuyến này, mình sẽ được chỉ cho con xem nhà nghèo là như thế nào ? Mình chỉ cập đến nghèo, chứ không đề cập đến khổ. Cảm giác thì con sẽ tự cảm nhận, vì thiết nghĩ: “nghèo chưa chắc đã là khổ, giàu chưa chắc đã hạnh phúc.”
Nhà của Linh ở trên đồi cao, đứng từ dưới đường nhựa nhìn lên thì ngôi nhà chỉ to bằng ngón tay cái. Đường lên nhà Linh là dốc đất cao, nghiêng phải hơn 45 độ, nhiều bụi cây dại, người lớn đi lên còn vất. Bé nhà mình không chịu leo, trẻ thành thị mà, mình thì muốn nó tập leo khi nào mệt thì bế, thế nhưng cô hiệu trưởng bế nó lên luôn.
Lên tới nhà Linh thì thấy nhà đóng cửa, không có ai ở nhà. Vì trên đồi cao nên nhà Linh có view đẹp cực. Cô giáo của Linh bèn sang nhà ông bà nội ở quả đồi bên cạnh để tìm.
Ngôi nhà của Linh là một ngôi nhà tình thương được xây dựng bởi công ty Điện lực. Nghe cô giáo kể mọi người kể ngôi nhà mà gia đình Linh đang ở có chi phí xây dựng là 50tr đồng. Chất liệu thì là nhựa ốp với khung sắt, sàn xi măng. Bên cạnh nhà có bếp, vườn rau. Xung quanh đồ đạc như gùi, ghế để lung tung, bên cạnh đó có những bụi lá ngón vàng rực.
Thoáng cái, đã thấy bố Linh dắt Linh, khuôn mặt ngại ngùng, tay gãi đầu. Anh mở cửa mời cả đoàn vào nhà.
Căn nhà của anh trống không. Bên góc có 1 cái giường nhỏ kê bằng gỗ. Bên cạnh là một dây phơi quần áo. Tiếp đến là khoảng chục bao thóc xếp chồng cao gần tới mái. Góc mình đang ngồi có chiếc bàn gỗ nhỏ, bố Linh lấy ra vài cái bát và một số chai nước lavie để uống. Viết đến đây mình đang tự hỏi, chai lavie là do ai chuẩn bị ?
Cô hiệu trưởng mở lời bằng giới thiệu về đoàn nuôi em. Mình tiếp lời về việc được kết nối về việc nuôi em và hôm nay đến thăm cháu Linh. Bố Linh lúc đó mở lời bằng giọng gượng gạo cố gắng nói tiếng Kinh rằng “Em xin cảm ơn anh chị đã giúp đỡ bé nhà em, em không biết nói gì chỉ biết nói vậy thôi ạ”.
Còn bé nhà mình, bước vào nhà lạ lẫm quan sát ngôi nhà. Gặp bé Linh thì hai đứa chưa quen, còn nhiều e dè. Mình đã mua sẵn sữa và bánh ngọt để tặng làm bé làm quen. Lúc này, Linh (2 tuổi) vần còn ôm khư khư sữa và bánh. Bé nhà mình đã chuẩn bị sẵn gấu bông để tặng Linh, nhưng còn nhiều ngại ngùng. Vậy là mình hỗ trợ bé bằng cách tặng cùng. Ngay sau đó, bé Linh khóc, bố con mình dừng lại ngay.
 
Bố của Linh đứng lên nói tiếng Mông với cô giáo, cô giáo nói là “anh ý đi đón vợ”. Qua cô giáo kể chuyện thì biết bố Linh thì làm nông, sinh năm 95. Mẹ Linh là người Mông, ko nói được tiếng Kinh. Còn bố Linh thì chỉ nói được một chút. Nhà Linh có 3 chị em, con nhỏ nhưng gia đình vẫn cố gắng cho cả ba cháu đi học hết.
Trò chuyện một lúc vẫn chưa lấy bố Linh về, bọn trẻ con chạy thăm quan quanh nhà. Bỗng có tiếng thằng bé vang lên: “Bố ơi, nhà nghèo đây hả bố ?”. Mình và các cô cười phá lên. Mình trả lời:
- Uh đúng rồi con ạ. Con nhìn xem nhà bạn Linh khác gì nhà mình không ? Nhà bạn Linh chỉ có một cái giường nhỏ xíu, vậy mà cả nhà bạn ngủ ở đấy.
Cô giáo nói thêm:
- “Uh, không hiểu ngủ ở đấy thì ngủ kiểu gì nhỉ”
Mình tiếp:
- Nhà bạn Linh còn không có tủ quần áo, bạn Linh cũng không có đồ chơi, không có gì hết.
Thế là thằng bé đi tới cái giường được che kín ngó vào. Còn nó nghĩ gì mình không biết. Rồi cả đoàn ra ngoài sân ngóng bố Linh về để tạm biệt. Nhân lúc đó, cô giáo chỉ cho mình vườn rau, nhà tắm, nhà bếp của nhà Linh.
Mình cho bé thăm quan.
- Đây là vườn rau này con này, được rào kỹ để gà không ăn mất.
- Còn đây là nhà tắm của bạn Linh này.
Thằng bé nhìn xung quanh dáo dác:
- Đâu hả bố, nhà tắm của bạn Linh đâu hả bố?
Đây con này, ngay trước mặt con này. Mình chỉ vào tấm gỗ được bắc trên gờ đất cao, có bắc 1 cái vòi nhỏ ngày trước mặt. Rồi lấy tay bật vòi nước phun ra cho nó biết.
- Đây con này, nhà tắm đây này.
Nó cúi xuống nhìn.
- Đấy con thấy có khác nhà tắm nhà mình không ? Nhà tắm nhà mình có cửa, có vòi hoa sen phụt, có nước nóng. Còn nhà bạn Linh thì không có gì hết. Bạn phải tắm ngoài trời trong thời tiết lạnh như thế này.
Nó tần ngần bỏ đi, chắc nó chưa hiểu gì đâu. Vào bếp, thấy bếp củi mình bước tới thao tác mô phỏng nấu bếp chỉ.
- Đây là bếp nhà bạn Linh này con này. Nhà bạn Linh nấu bằng bếp củi, phải nhóm lửa, thổi phù phù như này, sau đó bắc nồi lên để nấu. Con thấy có khác nhà mình không ?
Nó trả lời:
- Bếp nhà mình thì phải ấn nút kêu tít cái. Xong quẹt quet thế này cơ. (Bếp từ, nó giơ ngón tay quẹt ngang là thao tác bật bếp từ).

Con trai cô giáo thấy thế bèn nhảy thị phạm nấu bếp củi cho em xem luôn. Hai đứa hý hoáy nghịch bếp. Chưa nhóm được bếp thì thấy tiếng xe máy. Bố Linh đã đón mẹ Linh và chị gái Linh về. Tay xách theo một túi, trong đó có con gì đang giãy giãy.
Cô giáo nói:
- Anh ý muốn tặng đoàn con ngan. Mình giật mình từ chối: một là vì nghĩ nhà anh nghèo, con ngan có giá trị lắm. Hai là hai bố con đi tay đã tay xách nách mang rồi còn thêm con ngan. Mình một mực từ chối, khuyên anh phóng sinh, các kiểu nhưng chợt giật mình là mình có nói mấy anh cũng không hiểu vì không biết tiếng Kinh.
Dù biết là quà của bạn Linh nhưng mà đoạn này mình không tiện giới thiệu cho con rằng : « Đây là con ngan bạn Linh tặng con ». Cuối cùng mình xin gửi lại cho cô hiệu trưởng.
Cả đoàn ra về bằng con đường xa hơn, thoai thoải hơn, đi ngang qua nhà ông bà nội Linh để thăm quan. Cô hiệu trưởng lại định bế bé nhà mình, nhưng mình phải cố gắng nói: « Chị ơi đừng bế, em muốn cho cháu tập đi, khi nào cháu mỏi em sẽ bế. » Thế là thằng bé vừa đi vừa mếu. Cả đoàn đi chầm chậm xuống đường nhựa để lấy xe.
Nơi đó có những em bé đang tắm truồng trong nắng chiều, những cụ bà mặc áo dân tộc đeo kinh đang khâu vá. Và những chị em dân tộc, thấy mình giơ máy ảnh lên xin chụp e thẹn từ chối bằng giọng Kinh lơ lớ : Không.
« Chiều nay, cả đoàn sẽ tiếp tục thăm một điểm trường khó khăn nhất, và ngày mai sẽ tới trường em Linh để xem buổi ăn trưa của các cháu ».
---
Chuyện con Ngan: Tối đó, khi thấy đĩa thịt ngan trên bàn, mình đã nói với con : « Đây là quà bạn Linh tặng con đấy, con ăn xem có ngon không ? » Quả thực là ngan rất ngon, bố mẹ ạ. Thịt chắc dày, mà từ khi tới đây, mình ăn gì cũng thấy ngon ý.

Phần 4: Thăm trường vùng cao

Sáng hôm nay, mình dậy sớm chờ đón bình minh. Nhưng chẳng thấy gì ngoài làn sương mỏng mờ che phủ tựa Sapa. Nhiệt độ ở đây chênh lệch nhau khá nhiều: Trưa nắng nóng, đêm thì lạnh phải đắp chăn bông.
Theo kế hoạch, 7h sáng, nhóm sang quán phở gần đó ăn sáng. Phở ở đây siêu xịn: bánh phở tươi tự làm, nước dùng ngon ngọt, thịt thì khỏi nói. Quán có nuôi ngan chạy bộ, nên ở đây có cả phở ngan. Bé nhà mình đánh bay 1 bát cỡ vừa.
Ăn sáng xong, chúng mình tiếp tục theo cô hiệu trưởng tới thăm trường Nà Hỳ. Trời ấm dần nhưng sương chưa tan, xe máy leo lên chầm chậm chầm chậm. Sương ở đây dày và đường lên dốc oằn èo làm mình nhớ những cung đường Hà Giang.
Điểm trường Xam Lang.
Trong khi mình loay hoay quay phim lại đường đi. Thằng bé lạnh úp mặt vào lưng cô giáo ngồi im. Nhớ hôm qua, chúng mình đã thăm điểm trường Xam Lang, nơi các cô đánh giá là khó khăn nhất Nà Hỳ và điểm trường Nà Hỳ (trường trung tâm).
Đường đi điểm trường Xam Lang cách trung tâm 17km, trong đó chỉ có 2km là đường nhựa, còn lại là đường đất, có những đoạn đường xấu leo dốc khó đi. Nếu mà trời mưa thì thôi chắc nghỉ. Nghe cô giáo mầm non kể, nếu trời mưa, các cô phải đi sớm hơn bình thường 1 tiếng.
Trên đường đi mình đếm được 3 cây cầu treo qua suối, cảm thấy rất cao và xịn. Một trong những cây cầu có tên là Xam Lang – nơi mà các thầy cô, học sinh ở bản Xam Lang phải chui vào túi nilong và nhờ biết bơi kéo qua con suối Nậm Pồ rộng tới 80m.
Quảng đường vừa đi vừa về vừa sóc này khiến bé nhà mình thấm mệt, và không muốn đi tiếp nữa. Mình trộm nghĩ, mai lại đi như này nữa thì mệt phết! Vậy mà các cô giáo phải đi hằng ngày. Không biết xe các cô bao lâu phải thay nhông xích 1 lần nhỉ ?
Điểm trường Huổi Sang

May mắn thay, điểm trường của em nuôi tên Linh chỉ cách đường nhựa có 1km. Chỉ 1km nhưng đường xuống dốc rất xấu và trơn. Các cô giáo khi xuống còn lăn tăn. Sau một hồi loay hoay để xuống dốc thì cả đoàn cũng xuống tới điểm trường.
Lúc này, các cô mầm non cũng dần kết thúc việc đón học sinh. Nếu ở thành phố, các cô giáo mầm non đón học sinh cổng trường thì ở đây các cô mầm non đón bằng cách gọi điện vận động các gia đình cho đi học. Sau đó nếu bố mẹ không đưa đến thì các cô sẽ tới đón.
Lúc mình vừa tới, thì một cô giáo vừa đi đón 1 bé về. Đứa bé mặc áo hở rốn, quần ngắn cũn cỡn, một tay ôm cô giáo, một tay cầm túi nilon đựng cơm hồng. Mình hỏi con: "Con xem trời lạnh thế này, mà bạn mặc thế kia ? Con xem con mặc mấy áo ?"

Nghe các cô kể, việc vận động cũng khó khăn lắm. Có những bố mẹ thường muốn con ở nhà trông em, hay đi lao động. Hay có cả trường hợp họ nói với cô giáo: “Con tao đang bú, cho nó đi học mày có cho nó bú được không ?”.Nhiều trường hợp không cho con đi học để lấy tiền phụ cấp ăn trưa của các con (có những điểm trường được nhà nước lo ăn trưa – điểm trường mình tới thăm thì chưa được mà nhận cơm trưa theo chương trình Nuôi em).
Nhìn chung, cơ sở vật chất của điểm trường Huổi Sang và Xam Lang rất tốt do được nhà nước đầu tư. Lớp đã được xây kiên cố, trong lớp cũng có các đồ chơi và trang trí như ở thành phố (hình như có tiêu chuẩn chung). Thậm chí có điểm hơn là ở đây trường đất rộng, cây và hoa sẵn nên trường nào cũng có nhiều vườn hoa màu sắc, rồi vườn rau riêng hái tại vườn. Sân chơi là sân chơi tự chế do cô giáo và phụ huỳnh cùng làm.
Điểm trường Huổi Sang có 3 lớp, mỗi lớp trên dưới 15 em, mỗi cô phụ trách 1 lớp. Công việc bao gồm dạy trẻ, nấu cơm, cho trẻ ăn ngủ, dọn dẹp trường lớp. Điểm trường Xam Lang thì khó khăn hơn, có 1 lớp 16 em, nhưng chỉ có 1 cô phụ trách tất cả các việc tại điểm trường. Mình cảm thấy các cô mầm non ở đây cứ như là siêu nhân. Mình trông hai em còn mệt hết cả hơn.
Sau khi thăm quan trường, các bé đã dần ổn định vào lớp học. Nhóm mình vào tặng gấu bông cho lớp mầm non bé. Bố con mình mang khá nhiều nên thừa cả 1 lớp. Hôm nay bé nhà mình và bé Linh đã quen hơn và bé đã có thể tự trao gấu cho Linh. Tuy nhiên với đa số các bé còn lại, một là bé quá, hai là chưa hiểu tiếng Kinh nên thường khóc. Vì thế nhóm mình rút ra ngoài lớp nhanh chóng nhất có thể.
Ở ngoài sân, bé nhà mình được chơi các trò ở sân chơi của trường như cầu thăng bằng, cầu trượt, ngựa gỗ, bập bênh… cũng đủ cả, mà thậm chí còn có một số trò đặc biệt như ném còn. Ah mà ở đây, điểm trường nào cũng có một gian hàng bày bán các loại nông sản như rau, củ, quả, các loại hạt. Hỏi ra mới biết là các gian hàng này để các cháu tập bán hàng.
Bữa trưa tại điểm trường
Lúc này, trong khi một cô dạy các cháu tập thể dục, một cô chăm lớp nhỏ thì một cô còn lại đi nhóm bếp để nấu cơm. Ah, hôm nay bé nhà mình được xem nấu cơm bằng bếp củi thật rồi đây. Điểm trường có 1 căn bếp rộng, có chỗ đun bếp riêng. Các cô loay hoay thay nhau vừa nấu vừa trông các bé. Uh, thì nhân lực có hạn, biết làm sao.
Bữa cơm trưa như này, trước đây, các bé mang cơm trưa tới trường, ăn với canh rau các cô nấu. Còn bây giờ với số tiền mà anh chị nuôi ủng hộ cho mỗi bé 5k/ngày, các bé sẽ có thêm một món mặn. Vậy mà mình trước đây mình cứ ngỡ, 5k có thể nuôi em cả bữa trưa. Cũng đúng thôi, vì hôm qua đi chợ chơi, mình thấy vật giá trên này không rẻ hơn thành thị là bao.
Lúc này, các cô bắt đầu đưa các bé xuống nhà ăn. Hôm qua, mình đã trao đổi với cô xin cho bé nhà mình một xuất ăn trưa trải nghiệm rồi nên đến giờ ăn, bé cũng sẽ theo các bạn xuống ăn cơm.
Hai lớp mẫu giáo lớn lần lượt bê ghế ngồi từ trên lớp xuống nhà ăn, có đứa đội ghế lên đầu. Bé nhà mình cũng thẹn thùng chờ các bạn đi hết mới bê ghế theo các bạn xuống nhà ăn.
Mỗi đứa xách theo một túi cơm, có đứa mang cơm màu trắng, có đứa mang cơm màu hồng tím. Mình hỏi cô đây là gạo nứt có đúng không ? cô nói đúng, nhưng mình thấy không giống gạo nứt mình biết, nên chắc định nghĩa có khác nhau. Nhưng nhìn chung, bọn trẻ sẽ đưa túi cơm cho cô để các cô trộn lại và xới cơm ra từng bát. Các cô nói làm thế này để đứa nào cũng được ăn no, chứ có đứa không mang cơm thì chẳng có ăn.

Trước khi ăn, chúng nó được ngồi xếp vào bàn rồi khoanh tay ngồi chờ cả lớp có đủ bát cơm rồi cả lớp sẽ cùng mời: "Chúng con mời các cô ăn cơm ạ" rồi bắt đầu ăn.
Hôm nay chúng nó được ăn cơm với đậu thịt trứng trộn với nhau, một bát canh khoai nóng. Bữa nay có người lạ nên chúng nó có vẻ e dè hơn, nghe cô giáo kể có đứa phải ăn 4,5 bát, hôm nay mới ăn có ba bát đã thôi.
Bé nhà mình thì ăn có 1 bát. Kể từ hôm lên đây, nó ăn cũng ít hơn ở nhà. Một là vì mải chơi, hai là chắc nó cũng mệt, có sáng nay ăn hết bát phở cỡ vừa vì ngon quá. Trong khi ăn mình không quên so sánh cơm ở nhà với cơm ở đây khác nhau như thế nào.
Sau khi ăn xong, chúng nó tự bê bát ra bàn để. Sau đó ọn trẻ bê ghế cất lên lớp ngồi chờ các cô giáo trải phản cho ngủ. Lúc này mình cảm thấy có 1 chút mons ở đây :))
Lúc này cũng là lúc mình phải về để kịp ăn trưa đón chuyến xe khách trở về. Lại một chuyến đi dài 14 tiếng với 3 lần chuyển xe sắp bắt đầu.
Kết.
Chuyến thăm em nuôi lần này đã cho bố con mình những trải nghiệm tốt. Bé nhà mình đã gặp đc em nuôi và trải nghiệm ăn trưa cùng các bạn. Còn mình thì biết về giáo dục tiểu học - mầm non ở vùng cao còn nhiều khó khăn, hiểu hơn về công việc dự án nuôi em đang làm, thầy cô đang làm, nhà nước đang làm cho bọn trẻ. Những đóng góp của mình thật nhỏ so với những gì họ đang làm.
Đây là một chuyến đi nhiều may mắn, nếu bố mẹ nào có ý định cho con đi thì phải xem xét thật kỹ khả năng của con, chuẩn bị sẵn tâm lý, vì khu vực mình đến không quen thuộc với cả mình lẫn con. Nếu để con quá mệt sẽ tạo tâm lý không tốt cho con ở những chuyến đi sau. Quả thực, nếu không có các bạn tình nguyện, các thầy cô giáo ở bản nhiệt tình giúp đỡ chắc bố con mình không thể đi được như thế.

Dạy trẻ qua dự án
Trải nghiệm làm phim hoạt hì... Trải nghiệm làm phim hoạt hình Stop Motion
“Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu điều đó”. Trước đây, em sáng lập nhóm làm phim hoạt hình...
Đọc thêm...
Dạy trẻ qua dự án
Trồng một cái cây Trồng một cái cây
“Và khi được hỏi về những cái cây: “Ông tìm thấy những cái cây này ở đâu vậy. Những cái cây đang vươn lên những vì sao ấy?”, thì Van Gogh đáp:“Đó là n...
Đọc thêm...
Dạy trẻ qua dự án
Đọc sách cùng con Đọc sách cùng con
Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng có một hành trình đọc của riêng mình và học những bài học rất riêng về việc đọc sách. Bằng tình yêu với sách, mình cũ...
Đọc thêm...
Dạy trẻ qua dự án
Vun trồng ước mơ [Làm máy ba... Vun trồng ước mơ [Làm máy bay]
Sau những lần được đi chơi xa bằng máy bay về, bé nhà mê tít. Và chắc hẳn bé nào đi máy bay rồi cũng thường khoe với mọi người xung quang phải không? ...
Đọc thêm...
Dạy trẻ qua dự án
Dạy nghề cho con [Nghề thiết... Dạy nghề cho con [Nghề thiết kế]
“Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu điều đó”. Em vào nghề thiết kế và làm ở VTV cũng được 9 ...
Đọc thêm...
Dạy trẻ qua dự án
Hành trình thăm em [Nậm Pồ -... Hành trình thăm em [Nậm Pồ - Điện Biên]
NUÔI EM là hoạt động thiện nguyện uy tín mà bản thân mình biết từ lâu. Khi ấy mình và Hoàng Hoa Trung (chủ nhiệm dự án) tham gia cuộc thi Siêu Thủ Lĩn...
Đọc thêm...
Kết bạn với tôi
FacebookInstagramPinterest
Chia sẻ về trang
@ Nguyễn Huy Hoan 2013
Đăng nhập
Đăng nhập
Hướng dẫn đăng nhập
Chào mừng bạn đến với Hoan trên trang hoandesign.vn. Trang tác nghiệp các bạn đang truy nhập dành để chia sẻ với anh chị em đồng nghiệp trong nghề. Các cá nhân sử dụng đều phải hiểu và tôn trọng bản quyền của tác giả. Nếu bạn muốn truy cập trang này vui lòng liên hệ với Huy Hoan.