Tư duy tích cực – chìa khóa thành công cho người làm Mar Com
Nếu như thực phẩm bồi bổ cho thể chất, thì tư duy tích cực sẽ bồi bổ cho tinh thần. Đây không phải là lời khuyên sáo rỗng mà điều này đã được các chuyên gia tâm lý học hàng đầu chứng minh. Hãy kiểm chứng điều này dưới góc độ của người làm Marketing – Truyền thông nhé.
1. Giúp bạn sáng tạo hơn
Sáng tạo là yếu tố sống còn để bạn thành công trong kỷ nguyên Marketing 3.0 – tiếp thị số.
Khi cần sáng tạo, nhiều người phải vật vã đi tìm ý tưởng từ bên ngoài, bằng cách “cày” cả chục cuốn sách, săm soi chiến dịch của đối thủ..
Khi đó, có thể bạn đã quên mất điều đơn giản: khả năng sáng tạo đến từ tư duy. Và một tư duy tích cực sẽ tạo ra tâm trí thư giãn, cho phép bạn tập trung, đi tìm cảm hứng từ bên trong.
Hơn thế, cách tư duy theo hướng tích cực sẽ giúp bạn nhìn ra giải pháp, thay vì lãng phí thời gian và năng lượng vào những cảm xúc tiêu cực, trách móc ngoại cảnh, dằn vặt bản thân…
2. Làm việc năng suất hơn
Thật khó để đuổi kịp deadline nếu bạn đang ở trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng. Trong khi đó, thể lực và khả năng làm việc không chỉ chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn ngủ, tập luyện, mà còn liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần nữa.
Nhà tâm lý học Damon giải thích:“Tư duy tích cực làm giảm ảnh hưởng của các hormone căng thẳng đối với cơ thể, cho phép cơ thể phát huy khả năng tự chữa lành vốn có. Trong khi đó, suy nghĩ tiêu cực sẽ kích thích não bộ giải phóng các hormone căng thẳng, làm suy yếu hệ miễn dịch, gây ra nhiều chứng bệnh trong cuộc sống hiện đại ngày nay”.
“Do what you love, love what you do”
Về lâu dài, việc thường xuyên suy nghĩ tích cực còn giúp cơ thể bạn bền bỉ hơn, có khả năng chống chọi với bệnh tật bằng cách phóng thích các hormone thần kinh để bù đắp các hormone căng thẳng.
3. Duy trì vẻ bên ngoài rạng rỡ
Bạn không thể bảo vệ ý tưởng trước sếp hay tham gia đấu thầu trước khách hàng với bộ mặt “khó coi” được. Để luôn rạng rỡ và giữ ấn tượng tốt với mọi người, đừng bao giờ quên câu thần chú “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.
Theo Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Chloe Carmichael: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thường xuyên giữ nét mặt dễ chịu, vui tươi có thể coi là dấu hiệu của hạnh phúc. Tâm trạng hạnh phúc dẫn đến vẻ bên ngoài khỏe khoắn”.
Điều này được lý giải bởi vai trò của các hormone: Thường xuyên nghĩ ngợi tiêu cực làm tăng hormone căng thẳng trong cơ thể. Trạng thái căng thẳng không kiểm soát góp phần gây ra các vấn đề về da mà phổ biến nhất là nổi mụn, mề đay, da mất nước.
4. Giúp bạn tự tin hơn
Khi bạn suy nghĩ tích cực, bạn không chỉ thay đổi cách nhìn về thế giới xung quanh mà còn thay đổi cách bạn nhìn nhận chính bản thân mình.
Tiến sĩ Tessina nói: “Hầu hết những bệnh nhân của tôi không nhận ra rằng họ phải chịu trách nhiệm đối với cảm xúc của chính họ, và không một ai khác có thể làm họ cảm thấy tốt đẹp hơn”.
Tessina nhắn nhủ: “Hãy đối xử tốt với bản thân và hãy bắt đầu với những suy nghĩ tích cực. Chính bạn sẽ là người đầu tiên nhận thấy lợi ích của điều này”. Vì bạn biết đấy: Marketing – Truyền thông là ngành công nghiệp năng động và nơi này không có chỗ cho sự tự ti.
5. Củng cố các mối quan hệ của bạn
Tư duy tích cực không chỉ giúp bạn tăng tự trọng, tự tin mà còn lan tỏa ảnh hưởng sang những người xung quanh bạn nữa. Về bản chất, thói quen tư duy tích cực giúp bạn trở nên giàu lòng trắc ẩn không chỉ với bản thân, mà còn đối với những người khác. Từ đó, gia tăng sự thấu hiểu, lòng tốt và sự hợp tác giữa bạn với mọi người.
Tất cả những điều này sẽ giúp bạn thiết lập và phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống: từ gia đình, người thân, đồng nghiệp… Hơn cả thế, nhờ khả năng tư duy tích cực mà bạn sẽ dễ đạt được sự hài lòng trong từng mối quan hệ và thu hút những người chung xu hướng tư duy tích cực.
Vấn đề là làm thế nào tư duy tích cực, bỏ thói quen bi quan?
Hãy bắt đầu từ những thay đổi đơn giản trong đời sống thường nhật, dần dần biến chuyển tư duy của mình nhé:
-
Ghi lại trong nhật ký, note hay facebook về bất kỳ sự kiện nào khiến bạn cảm thấy thích thú, muốn ghi nhớ hoặc ăn mừng: cảm thấy tự hào bởi vì bạn đã đi tập gym, sếp đã nhận xét tích cực về bạn, nhận được một lời khen từ bạn bè…
-
Hãy chủ động tham gia những sự kiện làm bạn cảm thấy hứng thú, ngay cả khi bạn cần phải lên lịch trước: Gặp một người bạn cũ, mua vé xem một gala âm nhạc, lùng mua một cuốn sách mà bạn đang mong chờ.
-
Lưu lại hình ảnh để bạn có thể nhìn thấy những bằng chứng cho sự thành công của bản thân: sự kiện đáng nhớ, một chiếc cup thể thao mà bạn giành được, những bài báo bạn từng đăng, v.v… Hãy biết cách đánh giá cao chính bản thân mình, ghi nhận những gì mình đã làm được.
-
Tìm một nơi chốn bình yên trong chính bạn để bạn có thể “ghé thăm” mỗi khi bực bội. Đó có thể là một địa điểm có thật hoặc chỉ trong tưởng tượng. Thử nhắm mắt lại, đắm mình vào những trải nghiệm, hình ảnh ở nơi đó. Bạn sẽ dễ dàng luyện tập được điều này trong các lớp học Thiền hay Yoga.
Tìm hiểu thêm về Xử lý khủng hoảng truyền thông