Ngẫm lại hồi còn nhỏ, tôi có 2 kỷ niệm đáng nhớ nhất về việc viết mà tôi mang theo mãi.
Một là khi lên lớp 3, tôi viết một bài tập làm văn đề bài là viết lại cuộc chạy đua giữa rùa và thỏ. Nội dung câu chuyện được vắn tắt năm dòng mà tôi viết dài tới 2 tờ đúp. Hồi ấy trong bài văn tôi còn tự làm cả 1 bài thơ đưa vào bài. Cô cho tôi được 9,5 điểm với lời khen: Con cố gắng học văn cô cho thi học sinh giỏi văn. Sau đó, cô văn đang dạy tôi chuyển trường khác.
Lớn hơn lên cấp 2, tôi rất thích đọc sách văn học kiểu chơi chữ, tôi thường đọc đi đọc lại những tích có văn học dân gian của bà Đoàn Thị Điểm mà tôi nhớ mãi như:“Rừng sâu mưa lâm thâm”. Hay của bà Hồ Xuân Hương: “Giơ tay với thử trời cao thấp - Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”.
Sau đó, nhân ngày 8/3 tôi viết một bài thơ tặng mẹ. Thế là từ ngày đó, mẹ khuyên tôi không nên thơ thơ thẩn thẩn nữa. Lúc ấy, tôi cũng chẳng buồn chẳng vui mà đơn giản là nghe lời mẹ thôi. Thực sự tôi cũng không nghĩ là việc đó ảnh hưởng tới tôi như thế nào ? Thế nhưng giai đoạn sau cũng ko có nhiều kỷ niệm cho lắm, tôi chỉ nhớ thích đọc sách lịch sử, nhưng không bao giờ nhớ gì vào đầu cho đến khi:
1. Viết để giữ lại những kỷ niệm, những cảm xúc.
Ngày ấy mạng internet mới nở rộ. Tôi rất thích blog 360 của yahoo. Sau đó blog 360 sập, tôi sử dụng nhiều trang mạng khác. Tôi từng tự lập cái forum cho lớp, lập ra các trang blog, website để viết. Lúc này, tôi sử dụng nhiều trang blog để ghi chép lại những cảm xúc của mình, những kiến thức tôi học để lưu trữ cá nhân. Sau này, các trang blog sập dần và cũng không còn nhiều người dùng nữa. Chắc giờ quay lại đọc thì xấu hổ lắm :))
2. Viết để lập kế hoạch
Một trong giai đoạn tác động đến tôi nhiều nhất là hồi sinh viên. Lúc đó tôi bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện. Hồi ấy không biết dại dột thế nào mà tự nhận 1 dự án là “Hòa Bình cho em”. Dự án ấy được tạo ra với mục đích xoay vòng tạo dòng tiền bền vững cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam… Kết quả là dưới sức ép của công việc của công việc, tôi phải viết nội dung chương trình, lập kế hoạch chương trình, content chào hàng… Thành quả là dự án ấy thu về được gần trăm triệu tiền bán hàng và giải ngân từng đợt theo sự kiện của các em, nhưng về mặt duy trì lâu dài thì thất bại vì không có nhân sự.
3. Viết để kiếm tiền
Một trong những viết ra tiền đầu tiên của tôi là viết bài cho fanpage của Eureka Linh Trường - một resort ở Thanh Hóa. Hồi đấy, tôi chỉ làm thêm thôi và được trả rẻ lắm. Hình như 150k cả bài và thiết kế ảnh quảng cáo.
Cũng trong quãng thời gian ấy, kéo dài đến nay. Tôi thành lập một nhóm làm phim hoạt hình về môi trường MAM studio.vn. Ban đầu, chúng tôi tự mày mò viết kịch bản để làm phim về môi trường, say mê đến nỗi còn đi học hai khóa viết kịch bản phim của TPD (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh). May mắn thay, chúng tôi đạt được một số giải thưởng trong và ngoài nước và có nhiều khách đặt hàng sản xuất phim. Để duy trì lâu dài, chúng tôi tự viết bài để marketing. Tôi từng đi học content của anh Hiếu Orion, học SEO của vinalink. Cho đến giờ nhóm cũng đã làm được 80 phim ngắn các thể loại từ: phim tình yêu cho các cặp đôi đám cưới, phim giáo dục trẻ nhỏ về môi trường, kỹ năng sống, phim quảng cáo… đa dạng các thể loại từ phim quay thật, phim stopmotion, phim hoạt hình 2D,3D animation. Nhưng chúng tôi vẫn mất phương hướng.
4. Viết để quản lý thời gian
Bắt đầu từ tháng 4/2018, tôi mới biết đến bullet journal để quản lý thời gian và lên lịch làm việc. Lúc này tôi bị bối rối bởi tôi quá tham lam theo đuổi quá nhiều thứ cùng lúc như: Nhiếp ảnh, Bán sản phẩm xanh, Làm homestay, Lối sống xanh…mà bên cạnh đó tôi vẫn phải làm công việc thiết kế, bán phim hoạt hình, viết kịch bản và tất nhiên tôi không có đủ thời gian để làm tất cả ngần ấy việc. Do vậy, tôi bị stress nhưng bước ngoặt lớn nhất là khi có con. Lúc ấy, tôi phải san sẻ khá nhiêù thời gian cho con nên mọi thứ như vỡ ra. Tôi quyết định dừng lại tất cả, để cân bằng lại cuộc sống.
Tháng 7/2018, tôi mới đăng ký lớp học thiền đầu tiên - lớp Thiền Đương Đại của chị Hương Ann. Thiền giúp tôi sống chậm lại, và quan sát của mình. Trong quá trình đó, tôi nhận ra rằng mình thật sự chỉ làm việc khi dành thời gian làm đúng việc đó. Nhờ có thiền, tôi nhận ra rằng mỗi người chỉ có 24h một ngày. Vì thế nên cần phải lựa chọn những công việc mà mình yêu thích.
Cú phanh gấp ấy mất 2 năm, khi con tôi lên 2 tuổi tôi mới thực sự dừng lại.
5. Viết để phát triển bản thân
Sau đó, tôi tìm đọc những cuốn sách về tối giản. Đến lúc này, tôi nhận ra mình bắt đầu có những khái niệm về luật hấp dẫn, năng lượng hay gửi thông điệp cho “anh trụ”. May mắn thay, tôi chọn đọc được cuốn “một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của chị Chi Nguyễn. Một người bạn tôi nói: một cuốn sách hay đến vào đúng người, đúng thời điểm. Có thể nói cuốn sách vừa vặn với những hiểu biết và thực tế của tôi lúc bấy giờ và cho tôi những chỉ dẫn cụ thể.
Tôi mất gần 3 năm thực hành để đưa kế hoạch làm việc sát với thực tế. Cũng trong 3 năm này, tôi dần loại bỏ dần từ vất chật như quần áo, hay những thứ vốn là đam mê nhưng được mua thừa thãi như là máy ảnh,...Khó khăn nhất vẫn là bỏ bớt các công việc mà tôi yêu thích. Tôi dành thời gian để làm thử từng việc một: như đi chụp ảnh dạo, bán hàng online,... tôi tìm lý do để không làm nó, từ việc tính chi phí đến lời lãi, phải dành bao nhiêu thời gian cho nó...Thực ra thì phần quan trọng nhất vẫn là cảm nhận xem mình có phù hợp với nó không ? Chứ người làm nghệ thuật như tôi không lý trí cho lắm.
Sau khi thử làm xong mỗi việc tôi đều viết lại những cảm nhận của riêng mình. Sau này, qua những bài giảng của thầy Trần Việt Quân, tôi mới biết rằng bài học đó là kỹ năng Tự học có 3 bước: “Quan sát - phân tích - đúc kết”. Đến năm 30 tuổi tôi mới biết đến bài học này.
Dù vậy, có một thứ tôi chưa tối giản được đó là sách. Và hai công việc tôi yêu thích còn lại là thiết kế và viết.
6. Viết để nuôi dạy con
Kể từ khi có con, tôi chọn cách viết để quan sát con. Để nuôi dạy con, mình chỉ làm 1 việc đơn giản thôi, nhưng đều đặn hàng tuần. Đó là mỗi tuần dành thời gian viết 1 bài review đi chơi cùng con. Những bài này tôi hay đăng ở group Cuối tuần cho trẻ đi đâu? (Dung dăng dung dẻ). Từ khi viết review, mình chủ động tìm kiếm địa điểm đi chơi. Rồi xem địa điểm ấy có phù hợp với con không ? thành ra biết con độ tuổi nào cần học cái gì ? Khi chơi với con, tôi chú ý vào cảm xúc của mình, quan sát cảm xúc của con. Rồi trò chuyện với con xem con thích cái gì ? làm sao con thích ? nói vui là như kiểu phỏng vấn ấy. Con được lắng nghe, còn mình thì biết con thích điều gì để nâng cấp trải nghiệm cho con. Vô tình, những điểm chạm ấy tạo nên những kỷ niệm đẹp cho mình, cho con. Vô tình, những trải nghiệm này cũng là nguồn tư liệu để viết khi trở về nhà.
Viết lại trải nghiệm và cảm xúc của mình cũng là cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn trải nghiệm đã qua, củng cố nó theo cách mà một người đọc thụ động không đạt được. Suy nghĩ của trẻ rất khác người lớn, khi nhìn nhận lại những điều con nói, có thể bạn cần phải lý giải, thu nhỏ hoặc mở rộng vấn đề. Bằng cách viết, chúng ta quan sát được tính cách, điểm mạnh của con....
Nhờ có viết mà trong cuộc sống tôi đã có những phát triển cụ thể: tôi quản lý thời gian tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, đọc được nhiều sách hơn. Nhờ thế tôi kịp thời cân đối được thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho đời sống cá nhân như gia đình, con cái. Viết đi bạn, gì cũng được, một cuốn sổ nhỏ hay một trang blog bí mật dành cho mỗi bạn xem. Viết ngô nghê ngớ ngẩn cũng được, ghi lại những câu chuyện của con, món quà hay lời nói tử tế của con, ghi lại cảm xúc với một điều gì đẹp đẽ bạn trải qua…