Trung thực trong marketing, 5 thương hiệu sau đã thành công rực rỡ
Nghiên cứu về Chuyển động ngành công nghiệp thực phẩm 2016 cho biết, 94% khách hàng cho rằng minh bạch là yếu tố quan trọng khiến họ đưa ra quyết định mua hàng. Khi được quyền lựa chọn và nắm thông tin, khách hàng càng mong đợi và yêu cầu thương hiệu phải minh bạch.
Để đáp ứng những mong đợi này, các doanh nghiệp đang cố gắng thể hiện càng nhiều giá trị tích cực. Sự trung thực bắt đầu từ trong nội bộ doanh nghiệp cho đến những chiến dịch marketing ngoài thị trường. Khi khách hàng mong đợi sự chân thành và xác thực từ thương hiệu, điều này tất yếu sẽ trở thành xu hướng ngày một phổ biến hơn.
Chúng ta có thể học được gì từ những thương hiệu thành công với những chiến dịch marketing theo hướng minh bạch, trung thực?
Trong khuôn khổ bài viết này, MẦM sẽ giới thiệu tới bạn 5 ví dụ điển hình về chiến dịch marketing minh bạch:
1. McDonald’s: Giải quyêt tin đồn bằng cách chia sẻ thông tin
Chiến dịch “Món ăn của chúng tôi, câu hỏi của bạn” là một trong những chiến dịch marketing minh bạch được nhiều người nói đến nhất. Từ lâu, thương hiệu này đã phải vật lộn với những câu chuyện và tin đồn không hay về món ăn và nguyên liệu của mình.
Chiến dịch cho phép khách hàng được đưa câu hỏi công khai về bất cứ điều gì, và cho McDonald’s cơ hội để hóa giải những tin đồn, cũng như thay đổi nhận thức của khách hàng về những gì phía sau sản phẩm.
Từ khi khởi phát vào cuối năm 2014, chiến dịch này đã nhận được hơn 42.000 câu hỏi, với hơn 3,8 triệu người đọc và trả lời trên trang FAQ. McDonald’s thậm chí còn mở rộng chiến dịch trên các kênh quảng cáo ngoài trời khác:
Hơn cả thế, McDonald’s còn chia sẻ một đoạn phim quay cảnh bên trong nhà máy chế biến thịt bò của họ ở Canada, cho thấy từng miếng bò băm đều được làm từ thịt bò thật. Điều này làm tăng giá trị của tính trung thực trong marketing bởi người tiêu dùng dù biết McDonald’s là lựa chọn an toàn nhưng họ vẫn cần thêm thông tin chắc chắn cho lựa chọn của mình.
2. Southwest Airlines: đưa “Trung thực” thành một điểm khác biệt
Tự hào là hãng hàng không hàng đầu Hoa Kỳ và một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới, Southwest Airlines đã mang điều này vào chiến dịch “Minh bạch thông tin” của họ.
Với Southwest Airlines, minh bạch là một triết lý bao phủ toàn công ty, nơi mỗi khách hàng được đối xử một cách chân thành với giá vé ở mức thực sự thấp.
“Giữ vững vị trí của một hãng hàng không giá rẻ là trọng tâm phát triển của thương hiệu, và là nền tảng của mô hình kinh doanh mà chúng tôi kiên định. Chúng tôi sẽ không bao giờ muốn khách hàng của mình phải hao tài tốn của." - Kevin Krone, Phó Giám đốc công ty, Giám đốc Bộ phận Marketing của Southwest Airlines chia sẻ.
Cùng với hastag “FeesDontFly”, hãng hàng không dùng chiến dịch này để thể hiện ưu điểm của họ: Không thuê phụ phí, không có những loại phí “ẩn”. Kết quả là, chỉ riêng trên kênh Facebook, chiến dịch thu về 5 triệu like, giúp Southwest Arilines tránh được các đối thủ cạnh tranh và thu về niềm tin của khách hàng.
“Giá rẻ. Chẳng có gì phải giấu”
>> Xem thêm 6 case study sử dụng cách "nói thẳng như ruột ngựa" để thành công
3. Bánh mỳ Panera: Làm đúng sứ mệnh
Tháng 5/2015, chuỗi café – tiệm bánh Panera Bread đưa ra một lời hứa với khách hàng: Họ sẽ ngưng sử dụng những thành phần nhân tạo trong sản phẩm của mình vào cuối 2016. Lãnh đạo công ty còn cho rằng, để sản phẩm của họ vươn tới ngưỡng “sạch và lành” thì điều đó vẫn chưa đủ.
Trên con đường tiến tới sự minh bạch, Panera đưa ra chiến dịch “Thực phẩm đúng ra phải thế” cùng với một “thực đơn minh bạch”, bao gồm thông tin về năng lượng dinh dưỡng, thành phần chi tiết trong từng món ăn, cũng như những các báo cáo về việc sử dụng nguyên liệu động vật và tác động của sản phẩm.
Danh mục những thành phần nhân tạo mà Panera cam kết sẽ ngưng sử dụng.
Dan Kish, Bếp trưởng của Panera giải thích rằng toàn bộ chiến dịch đều chỉ nhằm giúp khách hàng đưa ra lựa chọn: “Khách hàng của chúng tôi muốn biết đồ ăn của họ nằm ở đâu trong ranh giới lành mạnh và không lành mạnh”.
4. Patagonia: Sẻ chia niềm tin thương hiệu và gắn kết chặt chẽ với nó
Nhà bán lẻ trang phục và vật dụng ngoài trời Patagonia vốn được biết tới nhờ con đường phát triển bền vững. Từ ngày khởi nghiệp, công ty này đã công bố rõ ràng sứ mệnh kinh doanh của mình là bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng cho sự thay đổi xã hội.
Patagonia tiếp tục thay đổi để nâng cao tính bền vững và cung cấp thông tin cho khách hàng để họ có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn.
Cụ thể, với chiến dịch mang tên “Bình đẳng Thương mại” (Fair Trade), Patagonia đưa ra trước công chúng câu hỏi: “Quần áo của bạn được làm ra như thế nào?”.
Mục đích của chiến dịch này là thúc đẩy khách hàng suy nghĩ về nơi quần áo được sản xuất ra, từ đó hình thành nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Bình đẳng Thương mại, xóa bỏ những hành vi bất bình đẳng đang tồn tại trên khắp thế giới.
Không như đa số các nhà máy dệt may khác, các nhà máy được gắn mác Bình đẳng Thương mại sẽ trả lương cao hơn, cung cấp điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho công nhân để họ tiếp cận mức sống cao hơn.
Biết đâu chiếc áo bạn mua sẽ góp phần giúp ai đó có cuộc sống tốt hơn?
Chiến dịch video này nhấn mạnh những vấn đề hiện tại và cung cấp những cách làm tốt hơn. Nhờ tiếp cận vào quyền lợi của khách hàng, video truyền cảm hứng này đã nhận được hơn 107,000 lượt xem, 1400 likes và 62 comment trên Facebook chỉ trong vòng 1 tuần.
5. Canadian Tire biến khách hàng thành người ủng hộ
Nhà bán lẻ lớn nhất Canada – Canadian Tire chống lại cạnh tranh toàn cầu và thay đổi mong đợi của khách hàng. Để chứng minh rằng sản phẩm của mình phù hợp nhất cho khách hàng, công ty này chạy một chiến dịch mang tên “Thử nghiệm cho cuộc sống ở Canada”.
Canadian Tire cung cấp sản phẩm cho cộng đồng hơn 15.000 khách hàng địa phương, để họ dùng, thử nghiệm và đưa ra nhận xét. Danh hiệu “Tested for life” chỉ được gắn cho các sản phẩm mà khách hàng đã chấp nhận.
Chiến dịch này chứng tỏ doanh nghiệp rât quan tâm tới khách hàng và doanh nghiệp cũng không e ngại những phản hồi tiêu cực. Bằng cách xây dựng mối quan hệ tin tưởng với khách hàng, Canadian Tire định hướng thị trường cạnh tranh và tự tin rằng họ có những sản phẩm cao cấp mà khách hàng mong muốn.
>> Hãy thử xem các video sau xem các bạn có thể trở thành người ủng hộ của Mầm không nhé
Hãy trao thông tin cho khách hàng
Nếu bạn hỏi con người đang thừa thãi cái gì, tôi sẽ nói rằng họ đang có thừa quá nhiều lựa chọn. Người tiêu dùng ngày nay có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Vấn đề chỉ là họ sẽ chọn mua hàng của ai, ai là người khiến họ tin để lựa chọn?
Nếu muốn xây dựng mối quan hệ chân thành với khách hàng, doanh nghiệp cần phải có sự minh bạch. Thường thì điều đó đơn giản chỉ là cung cấp cho khách hàng thông tin và giúp họ đưa ra quyêt định mua hàng chính xác.
Những thương hiệu mà chúng ta nhắc tới trong bài viết này đã chấp nhận những rủi ro để cởi mở hơn và trung thực với khách hàng. Cuối cùng, chính họ là người thu được lòng trung thành của khách hàng, được khách hàng tín nhiệm.
Như vậy, bài học về lòng trung thực trong marketing hay trong kinh doanh chỉ đơn giản là chấp nhận rủi ro để tiến về phía trước. Và rủi ro đó, thật bất ngờ có thể mang đến cho doanh nghiệp những giá trị lợi nhuận không tưởng.
Sam Milbrath (VisionCritical.com)