VIẾT CHO CON
Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, niềm yêu thích riêng và cả những nỗi sợ riêng. Cha mẹ có hiểu được con mới khơi gợi được điểm mạnh và xóa mờ điểm yếu được phải không nào ?
Theo dòng thời gian, con trẻ luôn luôn lớn lên từng ngày, thế giới cũng biến đổi từng ngày. Vì thế chúng ta cũng cần học hỏi và quan sát từng ngày.
Có nhiều cách khác nhau để quan sát con, nhưng mình chọn cách “Viết”. Kể từ khi bắt đầu viết cho dự án “Cuối tuần cho trẻ đi đâu ?” thì mình có 3 sự thay đổi trong việc đi chơi với con:
1. ĐI CHƠI CHỦ ĐỘNG:
Từ khi viết review, mình không còn đi chơi kiểu thụ động, ví dụ như là đi để chiều con hay như kiểu bố mẹ dẫn con đến chỗ chơi, còn bố mẹ tranh thủ lướt điện thoại.
Mình chủ động chơi với con, chú ý vào cảm xúc của mình, quan sát cảm xúc của con. Rồi trò chuyện với con xem con thích cái gì ? làm sao con thích ? nói vui là như kiểu phỏng vấn ấy. Con được lắng nghe, còn mình thì biết con thích điều gì để nâng cấp trải nghiệm cho con.
Vô tình, những điểm chạm ấy tạo nên những kỷ niệm đẹp cho mình, cho con. Vô tình, những trải nghiệm này cũng là nguồn tư liệu để viết khi trở về nhà.
2. TÌM KIẾM TRẢI NGHIỆM:
Muốn đi chơi nhiều thì phải năng tìm kiếm các địa điểm vui chơi ưng ý và phù hợp với con. Có một câu nói “Bạn là chính những gì bạn đọc”, mình hiểu ý nghĩa của câu này là khi tìm hiểu bố mẹ đã nạp một lượng kiến thức lớn về địa điểm đó và sẵn sàng để trao kiến thức cho con.
Thực tình thì đây cũng là khâu chuẩn bị lên kế hoạch đi chơi thôi. Viết cũng giống như vậy, muốn viết tốt bạn phải đọc nhiều.
3. VIẾT:
Viết lại trải nghiệm và cảm xúc của mình cũng là cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn trải nghiệm đã qua, củng cố nó theo cách mà một người đọc thụ động không đạt được.
Suy nghĩ của trẻ rất khác người lớn, khi nhìn nhận lại những điều con nói, có thể bạn cần phải lý giải, thu nhỏ hoặc mở rộng vấn đề. Bằng cách viết, chúng ta quan sát được tính cách, điểm mạnh của con....
Bạn có thể viết ra các đánh giá và giữ cho riêng mình hoặc đăng lên đâu đó. Cá nhân mình chỉ viết tập trung vào các địa điểm mà mình thấy thích, còn những địa điểm mình cảm thấy ko phù hợp thì bỏ qua hoặc góp ý trực tiếp với chủ địa điểm nếu biết.
Đôi khi các bố mẹ khác rất thích các địa điểm vui chơi mới lạ, đội ngũ marketing của các công ty vui chơi rất thích các review về địa điểm của họ. Đây cũng là một cách tuyệt vời để bạn chia sẻ cộng đồng cha mẹ mà bạn tham gia.
Viết đi bạn, gì cũng được, một cuốn sổ nhỏ hay một trang blog bí mật dành cho mỗi bạn xem. Viết ngô nghê ngớ ngẩn cũng được, ghi lại những câu chuyện của con, món quà hay lời nói tử tế của con, ghi lại cảm xúc với một điều gì đẹp đẽ bạn trải qua...
VIẾT CHO CHÍNH MÌNH
Cuối tháng 9 vừa rồi, mình có may mắn được chia sẻ với các bạn trẻ khắp cả nước về dự án "Cuối tuần cho trẻ đi đâu ?" và về việc VIẾT ĐÃ THAY ĐỔI MÌNH như thế nào ?
Sau 2 năm, chúng ta có 1 cộng đồng “Cuối tuần cho trẻ đi đâu ?” gồm cha mẹ, thầy cô, các đơn vị địa điểm vui chơi hơn 5000 người. Hơn 150 bài review vui chơi khắp cả nước, số lượng đủ cho 1 gia đình đi chơi trong 3 năm.
Nhưng có một chuyện trái ngược với suy nghĩ của mình ban đầu. Đó là ban đầu là mình viết cho con, viết để phục vụ cộng đồng thì việc viết lại thay đổi chính mình. Mình ngạc nhiên về điều đó.
1. KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI
Trong quá trình viết, mình cảm nhận có một vòng tuần hoàn: Khi bạn đặt bút viết, muốn hiểu và viết đúng một thứ gì đó mơ hồ, bạn phải tìm hiểu thêm một số điều khác nữa. Và khi học được một điều gì khác nữa, mình lại muốn viết lại nó.
Quá trình viết thôi thúc chúng ta học thêm. Ta phải tìm tòi, đọc sách báo và nói chuyện với những người có trải nghiệm hay chuyên môn để lấy chất liệu. Và nó lại thôi thúc chúng ta viết tiếp.
Khi viết ta vận hành tư duy: “Quan sát – Phân tích – Đúc kết” giúp mình suy nghĩ mạch lạc hơn. Viết đã cho mình một cơ hội lớn để học như vậy.
Và vì viết mà không bị áp đặt, nên mình luôn nuôi dưỡng sự tò mò, mỗi ngày mỗi tuần mình học được nhiều hơn, vì phải đọc nhiều hơn cho những gì mình muốn viết.
2. SỨC MẠNH CHỮA LÀNH:
Mình còn nhớ hồi còn dùng yahoo để chat. Lúc đó có dòng trạng thái status; nhiều người đã đăng những câu status để thu hút người khác vào chat.
Mình đọc sách self-help rất nhiều. Và cũng nhiều lần mình nhìn thấy một ai đó nói trúng tình trạng của mình, một ai đó gọi tên được cảm xúc của mình, một ai đó phản chiếu con người mình qua con người họ, có ai đó khiến bạn nhìn vấn đề của mình ở một bức tranh rộng lớn hơn. “Ai đó” hoàn toàn có thể là câu chữ, là trang sách, là một nhân vật ẩn mình đằng sau những câu chuyện.
Đã bao giờ bạn chỉ viết bâng quơ đôi dòng cảm xúc lên mạng, và có người comment lại rằng họ từng có trải nghiệm như bạn, hay rằng câu chữ này đến với họ thật đúng lúc, và họ cảm thấy được an ủi chưa? Những con chữ chân thành luôn có sức mạnh chữa lành.
Rõ ràng, viết cho riêng mình, không vì tiền, không vì công việc cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Viết làm mình bớt bực bội, cân bằng, ít chần chờ. Và mình tự yêu bản thân mình hơn, và nhất là khi những bài viết đó được đón nhận hay chia sẻ.
3. TRUYỀN CẢM HỨNG:
Những tưởng mình viết là con đường một chiều trao tặng kiến thức hữu ích cho người khác. Nhưng thực sự thì ta tìm thấy những người bạn mới, những tâm hồn đồng điệu. Thấy ta vui vẻ hơn, yêu đời hơn, không chỉ khi được like, share.
Mình không phải là người thông thái hay chuyên gia; nhưng mình thích chia sẻ những góc nhìn chân thực từ bản thân, những trải nghiệm tâm đắc để mang đến một góc nhìn mới mẻ, những cảm xúc tích cực và biết đâu có thể truyền cảm hứng cho người khác.
Viết đi bạn, gì cũng được, một cuốn sổ nhỏ hay một trang blog bí mật dành cho mỗi bạn xem. Cuộc sống cơm gạo áo tiền đôi khi khiến người ta vội vã quên mất dòng cảm xúc thật sự của mình.
Nếu như bạn là người muốn tập thói quen viết, lời khuyên của mình hãy bắt đầu với Morning pages - những trang viết buổi sáng.