Kinh nghiệm tìm kiếm công việc tình nguyện cho bạn trẻ Việt Nam
Bạn tha thiết muốn được vào làm việc trong các tổ chức tình nguyện nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Nơi nào là nơi bạn có thể tìm thấy thông tin tuyển dụng TNV mới nhất? Bạn nên chuẩn bị như thế nào để tăng khả năng trúng tuyển? Có những điểm gì cần lưu ý khi làm tình nguyện ở Việt Nam?
1. Tìm hiểu kỹ trước khi vào NGO
Ngoài các câu lạc bộ, tổ chức Đoàn thanh niên tại ngôi trường mình đang theo học, tổ chức phi chính phủ - non-governmental organization–NGO cũng là nơi phù hợp để bạn theo đuổi hoạt động tình nguyện. Tuy vậy, trước khi dấn thân vào môi trường NGO, có những thực tế không đơn giản mà cần chuẩn bị tinh thần để biết.
Trước hết, NGO thường được báo chí và dư luận ca ngợi bằng nhiều mỹ từ như: môi trường làm việc quốc tế, lương cao, thường xuyên được đi công tác/du lịch nước ngoài. Điều này đương nhiên không sai nhưng cũng không chính xác với tất cả mọi người.
Thực tế, tùy theo loại hình tổ chức và tính chất công việc, không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội làm việc với người nước ngoài và chuyện đi công tác nước ngoài cũng khá hiếm.
Công việc tình nguyện không phải lúc nào cũng hào nhoáng.
Mức lương ở NGO hay ở bất cứ doanh nghiệp nào cũng chỉ tương xứng với công sức bạn bỏ ra. Đối với tình nguyện viên tập sự, đôi khi bạn chỉ nhận được chi phí hỗ trợ là may mắn rồi.
Trong khi đó, khâu tuyển dụng ở NGO, đặc biệt là NGO quốc tế sẽ khá phức tạp và có độ cạnh tranh cao. Mỗi vị trí tuyển dụng thường có từ 20-30 đến hàng trăm ứng viên. Bạn sẽ phải trải qua 2-3 vòng tuyển dụng như: vòng hồ sơ, vòng phỏng vấn từ xa, vòng phỏng vấn trực tiếp.
Thực tế là, có nhiều NGO đăng tin tuyển dụng công khai nhưng họ cũng săn tìm ứng viên thông qua mối quan hệ quen biết (tuyển dụng nội bộ).
Khi đã vào tới NGO, bạn sẽ phải thích nghi với môi trường đặc thù: công việc của NGO đòi hỏi đi công tác dài ngày, các dự án có thể không liên tục và không phải dự án nào cũng hấp dẫn như bạn mong muốn, đồng nghiệp không phải lúc nào cũng thân thiện vì đáng buồn là vẫn có những người làm NGO vì lợi nhuận.
Bạn cũng cần ý thức được rằng: làm tình nguyện, làm việc tại NGO không đồng nhất với việc làm từ thiện. Thực tế, NGO được chia làm 2 nhóm: Tổ chức từ thiện (charity), giải quyết tạm thời vấn đề cấp bách như thiên tai, dịch bệnh…; Tổ chức phát triển (development) cung cấp cho cộng đồng công cụ, giải pháp, kỹ năng để TỰ TỒN TẠI và phát triển bền vững.
Ngoài ra, NGO tại Việt Nam cũng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ và ghi nhận của cộng đồng cũng như cơ quan nhà nước nên công việc sẽ đòi hỏi bạn phải linh hoạt, thích nghi cực nhiều.
2. Tìm kiếm cơ hội, công việc tình nguyện từ đâu?
Các tổ chức tình nguyện thường đăng tin tuyển dụng trên website chính thức cũng như thông qua các mạng lưới hội nhóm tình nguyện khác. Nếu bạn muốn vào làm việc tại tổ chức nào, việc theo dõi website và fanpage của họ thường xuyên là điều tất yếu.
Ngoài ra, bạn có thể theo dõi trang tin của một số tổ chức mạng lưới tình nguyện như VVC - Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Mạng lưới các Tổ chức Tình nguyện Việt Nam - VIVON, LINvn.org hay ongxanh.org.
Đối với các thông tin tuyển tình nguyện viên quốc tế, bạn hãy theo dõi các trang như NGO Center https://www.ngocentre.org.vn/jobs - nơi tập hợp đầy đủ nhất công việc của các tổ chưc quốc tế.
Ngoài ra không thể bỏ qua các trang web chuyên về tuyển dụng như Vietnamwork, JobStreet. Bạn truy cập các website này và chọn “NGO/Non-profit” hay nhóm ngành “phi chính phủ/phi lợi nhuận”.
Các tổ chức tình nguyện tuyển dụng trên kênh vietnamworks.com.
3. Cần chuẩn bị những gì khi ứng tuyển tình nguyện viên?
Chuẩn bị về ngoại ngữ, kinh nghiệm, kỹ năng mềm… là đương nhiên rồi. Trong khuôn khổ bài viết này, MẦM chỉ có một số lưu ý cho bạn:
Trước khi apply vào một vị trí TNV nào đó, bạn cần hiểu rõ bản thân và trả lời những câu hỏi sau đây:
- Xác định xem bản thân mình có hứng thú, nhiệt huyêt với mảng hoạt động nào nhất?
-
Trẻ em
-
Người khuyết tật
-
Người già
-
Môi trường
-
Bảo vệ động vật hoang dã
-
Y tế/Sức khỏe
-
Giáo dục
-
Phụ nữ
-
Phát triển kinh tế
- Mỗi mảng hoạt động đó đòi hỏi những kiến thức, chuyên môn, phẩm chất đặc thù nào? Bạn có đáp ứng được những yêu cầu đặc thù đó không?
Sau đó, hãy tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm tình nguyện, đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Cố gắng thu nhặt càng nhiều câu chuyện, bài học thực tế càng tốt. Điều này sẽ có ích cho buổi phỏng vấn của bạn.
Trước khi gọi phỏng vấn, hãy tìm hiểu chi tiết hơn về các dự án mà tổ chức đang triển khai. Hãy thử lên kế hoạch, tìm ý tưởng cho một vấn đề liên quan tới lĩnh vực của tổ chức tình nguyện mà bạn đang ứng tuyển. Trình bày ý tưởng của mình cho người khác nghe thử và lắng nghe phản hồi.
Tóm lại, xoay quanh chủ đề tìm kiếm công việc tình nguyện tại Việt Nam sẽ còn rất nhiều vấn đề cần bàn luận và cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các nhà hoạt động xã hội. MẦM rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến của các bạn để tập hợp những kinh nghiệm này trong một bài viết khác.
Xem thêm 10 điều bạn sẽ bỏ lỡ nếu không tham gia tình nguyện