10 bài học xương máu về hoạt động tình nguyện
Mùa hè năm 1994, chương trình Ánh sáng văn hóa hè do sinh viên TP.Hồ Chí Minh khởi xướng đã mở đầu cho phong trào tình nguyện mùa hè của thanh niên cả nước. Từ đó tới nay, chúng ta đã đi qua 17 chiến dịch Mùa hè xanh và rút ra được nhiều bài học xương máu. Để chiến dịch tình nguyện của bạn diễn ra suôn sẻ, chất lượng, an toàn, MẦM Studio xin chia sẻ những bài học đó.
1. Không bao giờ bỏ qua công tác tiền trạm
Phần lớn các địa điểm diễn ra hoạt động tình nguyện đều là các khu vực khó khăn, những địa phương vùng sâu vùng xa, cách trở về mặt địa lý so với khu vực nơi các tình nguyện viên đang sinh sống và học tập.
Khâu tiền trạm không chỉ giúp các bạn lựa chọn địa điểm an toàn, chuẩn bị nội dung tình nguyện phù hợp với tình hình thực tế; mà còn là cơ hội để các bạn kết nối và làm việc chặt chẽ với chính quyền, người dân địa phương khi lên kế hoạch tình nguyện.
Cần thận trọng khi tổ chức tình nguyện tại vùng thiên tai. Ảnh: internet
“Đáng ngại nhất của sinh viên tình nguyện là khi đến vùng đất mới không hiểu rõ về địa hình, đường đi, những khu vực nguy hiểm như sông, suối, đặc biệt là không có kỹ năng ứng phó với những tình huống bất ngờ của thiên tai. Bất cập lớn nhất là đội trưởng cũng lần đầu đến vùng đất đó, chưa có nhiều kinh nghiệm, nếu không có sự hướng dẫn, hợp tác tích cực của chính quyền địa phương thì rất dễ xảy ra tai nạn”.- Anh Trần Đức Thắng, một cựu sinh viên Trường ĐHKHXH&NV chia sẻ trên báo CAND.
2. Bố trí nhân sự phù hợp
Lợi thế lớn nhất của sinh viên chính là chất xám. Mỗi sinh viên, mỗi ngành học có một sở trường riêng, và sở trường đó không nhất thiết phải là đào đất, vệ sinh cống rãnh, đi gặt lúa…
Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận ý nghĩa của các hoạt động xây dựng, sản xuất. Nhưng điều quan trọng là bố trí công việc phù hợp với năng lực của từng tình nguyện viên.
Ai có khả năng truyền đạt, hãy đi dạy chữ cho em nhỏ. Ai có khả năng văn nghệ, hãy chuẩn bị chương trình văn nghệ cho bà con thưởng thức. Việc xây dựng chỉ nên để cho người có thể lực và kinh nghiệm đảm đương, tránh tình trạng 100 thanh niên đào không xong một cái rãnh nước, cuối cùng lại để người dân địa phương làm giúp.
Ngoài ra, những công tác chuyên môn đặc thù như y tế, khám chữa bệnh nên cẩn trọng khi giao cho tình nguyện viên là sinh viên. Về mặt pháp lý, các bạn đang là sinh viên trường Y, chưa có chứng chỉ hành nghề, sẽ chưa được phép thực hiện những hoạt động chuyên môn này.
Công việc tình nguyện sẽ có ý nghĩa hơn nếu biết phân công đúng người đúng việc. Ảnh: internet
3. Trang bị kỹ năng thoát hiểm
Tháng 7/2016, cộng đồng những người làm tình nguyện Việt Nam rúng động trước sự ra đi của 3 nữ sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội khi đang tham gia hoạt động tình nguyện tại Bình Liêu (Quảng Ninh). Đáng tiếc là, đây không phải lần đầu tiên có rủi ro xảy ra trong các hoạt động tình nguyện.
Điều dễ nhận thấy là các hoạt động sinh viên tình nguyện thường hướng tới các địa bàn xã, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có địa hình hiểm trở. Đây đều là các địa bàn luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, lũ ống… trong khi các tình nguyện viên chưa được trang bị kỹ năng ứng phó với bất thường của thiên tai. Chuyến đi tình nguyện “định mệnh” của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy.
“Nếu đang ở suối mà thấy nước sủi bọt đỏ lên là phải chạy thật nhanh, nếu không sẽ bị lũ ào đến cuốn đi ngay”. - chị Phạm Thị Phương, ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, người đã sống ở vùng lũ mấy chục năm chia sẻ trên báo CAND.
“Biết bơi không có nghĩa là biết lội. Lội qua suối, kênh với dòng nước siết là một kỹ năng hoàn toàn khác. Khi gặp tình huống này, đầu tiên là bình tĩnh, thứ hai là lội xuôi theo dòng nước. Nếu bạn lội ngang qua, khi bạn ra giữa kênh, áp lực nước đẩy lên người bạn sẽ khiến bạn mất thăng bằng, chỉ cần cử động mạnh và mất bình tĩnh là sẽ bị cuốn trôi”.
4. Tình nguyện phải thực sự tự nguyện
Có lẽ chúng ta nên bỏ thói quen dùng các từ như "tư lệnh ngành", "trận đánh", “chiến sĩ tình nguyện”... khi nói về hoạt động tình nguyện. Hoạt động tình nguyện diễn ra theo chiến dịch nhưng điều đó không có nghĩa người triển khai phải làm việc như chiến sĩ.
Kỷ luật và trách nhiệm đối với công việc, tổ chức là tất yếu. Nhưng không khí căng thẳng, văn bản cứng nhắc, thói quen ra mệnh lệnh… sẽ làm giảm nhiệt huyết của các tình nguyện viên và khiến hoạt động tình nguyện mất đi tính tự nguyện của chương trình.
5. Cẩn trọng với “tình nguyện tự phát”
Thời gian gần đây, nhiều câu lạc bộ tình nguyện tự phát hoặc hoạt động tình nguyện, thiện nguyện do một số cá nhân đơn lẻ đứng lên tổ chức đã khá phổ biến.
Thông thường, một vài cá nhân sẽ tự sáng lập và điều hành câu lạc bộ tình nguyện với những hoạt động như quyên góp áo ấm, sách vở cho trẻ em vùng cao, tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội…, tự tìm địa điểm, tự thuê xe, tự tìm nơi ăn chốn ở…
Những câu lạc bộ tình nguyện tự phát này lại thu hút rất đông các sinh viên tham gia do không bị “gò bó” vào những quy định, kỷ luật như trong Đoàn, Hội. Tuy nhiên, sự tự phát này cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro, tai nạn thương tích bất ngờ đối với các thành viên chỉ với những sơ sẩy, bất cẩn nhỏ.
6. Hoạt động tình nguyện phải thực chất
Những năm gần đây, để tìm được một mô hình hay, những cách làm mới trong công tác tình nguyện là chuyện không dễ. Mặc dù cả nước có tới hàng trăm nghìn cơ sở đoàn, hơn 1500 tổ chức phi chính phủ.
Chính vì chậm đổi mới, chọn cách thức triển khai không phù hợp, nên nhiều hoạt động vẫn còn mang tính hình thức…Ví dụ: cứ đến Ngày môi trường thì các bạn đoàn viên thanh niên sẽ đi… nhặt rác, quét vỉa hè. Đến mùa hè xanh thì về nông thôn dọn vệ sinh, đào mương thoát nước. Đến Trung thu thì đi kêu gọi tài trợ rồi trao bánh kẹo. Gọi là mang Tết Trung thu đến với trẻ em nghèo, nhưng thực tế chỉ mang quà đến cho trẻ em, còn phần “Tết” thì các em không cảm nhận được.
Giá như các ĐV-TN có thể dành chút thời gian tổ chức các trò chơi như: rước đèn, kể chuyện sự tích ngày Trung thu, chơi các trò chơi dân gian… để trẻ em nghèo có thể cảm nhận được cái Tết Trung thu trọn vẹn..
Việc huy động 1.000 thanh niên tình nguyện để làm đoạn đường 700 m và tiêu tốn 1,5 tỷ đồng từng gây bức xúc vào năm 2013. Ảnh: Tuổi trẻ.
7. Đổi mới nội dung tình nguyện
Các bạn không nên xem công tác tình nguyện là một phong trào; chất lượng công việc, tính thiết thực mới là phương châm chính trong các hoạt động tình nguyện. Do đó, ngoài việc duy trì những hoạt động cũ có hiệu quả, việc đổi mới nội dung tình nguyện sao cho thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương là cấp bách.
Ví dụ: để tuyên truyền về An toàn giao thông, thay vì cử TNV đi… phát tờ rơi như thường thấy, hãy tổ chức những buổi chiếu phim, kết hợp hoạt động thuyết trình và tương tác để thu hút người xem.
Hãy bắt đầu từ việc xác định xem đối tượng thụ hưởngcủa chương trình là ai, và điều họ thực sự cần là gì?
Liệu những người nông dân có cần đám sinh viên “trói gà không chặt” giúp họ làm những việc nhà nông mà năng suất lao động của bạn chỉ bằng 1/10 người nông dân? Hay cái họ cần là chỗ tiêu thụ bền vững cho số nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, là kiến thức về nông nghiệp sạch – xanh và nhu cầu giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc?
8. Tình nguyện hướng tới phát triển bền vững
Những hoạt động tình nguyện diễn ra trong 1 ngày, vài tuần hay nhiều nhất là 1 tháng sẽ chỉ giải quyết được vài vấn đề trước mắt. Chúng ta có thể giúp người dân dọn sạch một con kênh nhưng liệu có thể giúp họ ứng phó trước thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu? Chúng ta có thể trao một gói quà Tết, tặng một phần bánh Trung thu, dạy các em nhỏ vài buổi học tiếng Anh, học võ… nhưng làm thế nào để mùa Trung thu này, cả mùa Tết sau, gia đình các em – dù có TNV ở bên hay không thì vẫn có cái Tết, cái Trung thu no đủ?
TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học từng “than thở: “Việc xoá mù chữ thì ngành Giáo dục với bao nhiêu tiền của làm hàng mấy thập niên còn chưa làm được thì làm sao thanh niên trong vài ba tuần có thể làm được?”
Đây là bài toán nan giải mà không một cá nhân TNV nào có thể đơn phương giải quyết. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý, các tổ chức và mạng lưới tình nguyện ngồi lại với nhau để tìm ra hướng đi chung thống nhất và bền vững hơn.
Xem thêm 10 điều bạn sẽ bỏ lỡ nếu không tham gia tình nguyện