Tổng hợp các cách tạo độ sâu sân khấu
Trong sân khấu truyền hình nói chung và quay phim trong studio nói riêng thì việc tách lớp giữa diễn viên với phông cảnh là điều đặc biệt được chú trọng.
Phông nền nếu quá sắc nét sẽ cạnh tranh với diễn viên trong khuôn hình. Tồi tệ hơn là khi các đường sắt nét đó cắt vào hình của diễn viên gây ra sự tức mắt cho khán giả khi xem.
Để tạo được độ sâu trường ảnh thì diễn viên phải cách lớp phông tối thiểu là 4m và cách máy quay khoảng cách tương tự. Như vậy 1 căn studio lý tưởng có độ sâu tối thiểu là 8m (chưa bao gồm diện tích đứng cho ekip thực hiện). Ở Việt Nam kiếm được một trường quay nhỏ có diện tích như thế thật khó.
Để khắc phục điều này, Hoan xin chia sẻ một số phương pháp mà Hoan rút ra được trong thời gian dài thiết kế sân khấu.
1 - Sử dụng chất liệu mica trong, mica được cán một lớp decan. Mica trong khi dán decan mờ tạo thành một lớp trong mờ (blur) giống như với xóa phông. Do đó dù phông ở khoảng cách rất gần, nhưng vẫn tạo được sự tách biệt giữa 2 cảnh và diễn viên.
2 - Sử dụng phông gỗ cắt CNC, sau đó căng vải thun trắng phía sau, sử dụng đèn hắt sáng ngược từ phía sau để tạo ánh sáng cho các khe hở của phông. Cho dù chỉ là 1 phông nhưng với ánh sáng của đèn thì vẫn tạo ra được 2 lớp phông. Đây là một phương án cực kỳ hiệu quả mà dễ sử dụng với sân khấu nghệ thuật với màu tối.
3 - Sử dụng đèn LED âm viền. Bạn lắp những sợi LED vào khe phông có độ sâu khoảng 5cm để đèn ánh sáng hắt ra sẽ có độ chuyển từ sáng sang màu của phông tạo thành 2 lớp. Bạn lắp càng nhiều thì tạo cảm giác càng sâu. Phương án này rất phù hợp cho decor nội thất và trường quay thời sự.
4 - Sử dụng nhiều lớp cảnh. Đây là cách làm thông thường nhất, khá tốn diện tích nhưng chi phí rẻ. Đặt nhiều lớp cảnh có sắc độ đậm nhạt khác nhau để làm giả độ sâu. Có thể tận dụng thêm ánh sáng để tách lớp.
5 - Kết hợp giữa các phương án trên. Khi bạn kết hợp các phương án trên thì hiệu quả càng tăng và chi phí cũng tăng (tất nhiên).
Thiết kế sân khấu thường phải sử dụng những hiệu ứng để background đẹp. Một background đẹp thì không thể thiếu độ sâu.
6 - Sử dụng file in với hiệu ứng blur để làm background. Phương án rẻ tiền, hiệu quả nhưng bị động khi thay đổi góc máy.
7. Thiết kế các đường chéo theo luật xa gần: Một trong những cách mình hay sử dụng nhất là sử dụng các đường chéo theo luật xa gần để tạo độ sâu sân khấu. Bằng cách xem xét góc máy quay sẽ để ở đâu, mình sẽ tính toán để tạo các đường chéo hút về phía xa. Cách này tương tự như vẽ tranh 3D. Và cũng giống tranh 3D nếu bạn đổi sang góc khác thì chiều sâu sẽ bị giảm bớt và lộ ra. Thêm nữa là khi thi công sẽ khó hơn.
8. Sử dụng màn LED: màn Led giờ một trong những phương án tối ưu và linh hoạt trên sân khấu. Để tạo độ sâu khi sử dụng màn Led bạn cũng nên chọn các ảnh background có độ sâu như đường chân trời, các ảnh có đường chéo theo luật xa gần phù hợp với góc nhìn khán giả.
9. Sử dụng màn sao (vải đen gắn đèn): Màn sao tư xưa đến nay luôn là thứ vũ khí siêu lợi hại của hoạ sỹ thiết kế sân khấu như kiểu sát thủ có dao găm vậy. Màn sao có màu đen, điểm ánh đèn vừa tạo chiều sâu kiểu những ánh đèn le lói phía xa, lại tạo độ lung linh cho sân khấu nhiều khi đến mức độ có thể thay cho cảnh trí luôn. Nên dùng bất cứ khi nào với 2 điều kiện: kịch bản tả cảnh đêm tối và kinh phí cho phép.
10. Xếp lớp cảnh tạo độ hút. Tạo các khối cảnh gồ ghề như núi đá. Hoặc xếp các hình đồng dạng với nhau có chung điểm tụ. Phương pháp này chỉ bằng mắt và nhìn gần thôi cũng thấy sâu rồi.
11. Tạo tiền cảnh: Phương pháp này cũng giống như quy tắc trong nhiếp ảnh. Để một cảnh gần máy quay, nơi máy quay hay lia qua sau đó mới đến hình của MC sẽ cho khán giả thấy trường quay/ sân khấu có độ sâu nhất định. Cảnh trí này thường là logo của cty hoặc ct nhằm mục đích quảng cáo luôn và đứng độc lập tốt.
Ngoài những cách trên, chắc hẳn còn không ít cách làm phông khác mà các bạn thấy trên truyền hình. Nếu có thắc mắc bạn hãy paste ảnh lên đây để chúng ta cùng thảo luận nhé!