Phương pháp giáo dục Montessori – Thời kỳ nhạy cảm của trẻ: Tổng quát, thực tế, dễ hiểu.
Trước khi dạy con, mình thường tìm hiểu kỹ về: đặc điểm tâm lý của độ tuổi của con, các kỹ năng mà thể chất ở độ tuổi của con đáp ứng được. Ngoài ra, mình còn cố gắng nắm bắt đặc điểm riêng của con. Điểm này thì mỗi nhà mỗi khác - mỗi bé mỗi khác. Đó cũng là lý do mình tìm đến cuốn Montessori - Thời kỳ nhạy cảm của trẻ.
Để nói về cuốn "Phương pháp giáo dục Montessori: Thời ký nhạy cảm của trẻ" thì mình đánh giá: TỔNG QUÁT – THỰC TẾ – DỄ HIỂU.
TỔNG QUÁT
Cuốn sách này bao quát các thời kỳ nhạy cảm của trẻ từ 0-9 tuổi. Thời kỳ nhạy cảm là giai đoạn bé bắt buộc phải trải qua trong quá trình trưởng thành giúp trẻ làm quen với cuộc sống. Nếu nắm bắt được thời kỳ nhạy cảm thì bố mẹ sẽ dễ chịu hơn khi gặp tình huống con gây ra khó chịu, giải quyết dễ dàng vấn đề và giúp con phát triển tối đa trong từng tình huống xảy ra thời kỳ nhạy cảm đó.
Bé nhà mình từ bé trải qua khá nhiều thời kỳ nhạy cảm. Nhưng mình nhớ nhất là thời kỳ nhạy cảm với quy luật. Tức là mọi thứ đều phải đúng với vị trí, của bố là của bố, của mẹ là của mẹ, không được dùng của nhau. Rồi đến lớp thì bé nhà mình cũng đánh bạn vì nhạy cảm với quy luật. Tình huống cụ thể như sau: Đến giờ đi ngủ, một bạn A lấy chăn của một bạn B trải ra, bé nhà mình nhìn thấy thế liền chạy tới xô bạn A ngã và nói: của B mà. Nếu không hiểu tâm lý con chắc bố mẹ sẽ tức lắm.
THỰC TẾ
Cuốn sách này vô cùng nhiều ví dụ thực tế, gần như đa phần trong cuốn là các tình huống thực tế được thuật lại để bố mẹ có thể hiểu được chứ không phải là lý thuyết khô khan. Đọc hết các ví dụ thì chắc hẳn bố mẹ cũng có thể liên hệ phần nào với con mình.
Mỗi phần trong cuốn sách lại có các trò chơi gợi ý để bố mẹ thực hành luôn.
DỄ HIỂU
Các thời kỳ nhạy cảm sau khi được trình bày bằng ví dụ để hiểu thì đến cuối sách lại được liệt kê cụ thể thành các bảng biểu cực kỳ rõ ràng giúp bố mẹ nắm bắt, tra cứu nhanh chóng khi cần.
Mỗi thời kỳ/ độ tuổi lại được kê thành các kỹ năng nhỏ để bố mẹ dễ dàng tham chiếu. Có nhiều bảng như:
– Bảng tham chiếu phát triển thể lực, trí tuệ, ngôn ngữ và ý thức xã hội.
– Bảng tham chiếu mức độ phát triển trí tuệ của bé từ 0—6 tuổi.
– Sơ đồ phát triển ngôn ngữ.
Vì những lí do trên mình luôn coi cuốn sách là sách gối đầu giường và để tra cứu bất cứ khi nào cần. Ngoài ra thì có 2 cách để xác định các đặc điểm tâm lý và kỹ năng của con tương đối tốt:
– Thực hiện bài Test Denver 2: phương pháp này các bác có thể tìm hiểu thêm trên mạng.
– Đọc sách Chương trình Giáo dục mầm non của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam: Cuốn này của Việt Nam viết nên sẽ có thêm một số kiến thức phù hợp với trẻ em Việt, và đặc biệt là giúp trẻ phù hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Không biết các bố mẹ dạy con thế nào ? Chia sẻ cho mình biết với nhé.