“Nói sao cho trẻ chịu nghe – Nghe sao cho trẻ chịu nói” – cuốn sách cần đọc sớm nhất có thể.
Lần đầu tiên mà mình viết review mà mình không biết bắt đầu từ đâu, mình không muốn review lại khi mình chưa hoàn toàn hiểu nhưng mình cảm giác được đây là cuốn cần bố mẹ phải đọc sớm! sớm nhất có thể!
Trước tiên, ở bất cứ chương nào của sách, tác giả đều hướng dẫn cho bố mẹ trực tiếp trải qua cảm giác của con mình khi bố mẹ trả lời, từng cách từng thái độ. Điều này khiến mình vô cùng khâm phục tác giả về độ chi tiết.
Sau khi đọc chương 1: Mình quan sát thấy những người giỏi chơi với trẻ có những cách nói chuyện giống như những gì sách đề cập. Sau đó, mình thử nói chuyện với bé nhà mình theo cách đó thì hoàn toàn hiệu quả.
Chương 2 cũng vậy, thay vì mọi lần mình tìm mọi lý lẽ để giải thích cho con hiểu, thuyết phục con làm theo ý mình thì lúc này mình hoàn toàn thư giãn (không còn lo lắng, không gắng sức) mà vẫn có thể giúp con bằng những câu thoại ngắn.
Tuy nhiên, mọi vấn đề ở nằm ở các chương còn lại: Các chương còn lại đòi hỏi kỹ năng trò chuyện cao đối với cả bố mẹ và bé hơn. Nhiều khi mình không nghĩ ra cách để nói với bé theo hướng mong muốn.
Xét đến môi trường văn hóa thì Âu và Á cũng khác nhau nên áp dụng có thể chưa đúng vì như việc thảo luận và ghi ra các phương án giải quyết vấn đề cùng trẻ thì cần có sự đồng thuận cao từ mọi người trong nhà (bao gồm cả ông bà).
Xét về kỹ năng cuốn sách đề cập trò chuyện với trẻ thì mình cũng chưa áp dụng được hết. Nhưng có cách có hiệu quả và có cách không hiệu quả vì mỗi đứa trẻ là khác nhau. Sách cũng cung cấp 1 công thức cơ bản để bố mẹ có thể làm khung trò chuyện với con.
Các kỹ năng đề cập đến ở các chương này cũng cần áp dụng trong thời gian dài mới thấy hiệu quả và tạo lập thói quen cho con.
Ở chương 5, có 1 phần mà tác giả đề cập đến rất ít, bố mẹ cần chú ý đọc. Đại ý là phần này theo mình hiểu là: mọi đứa trẻ đều cần giải tỏa, chứ không phải chỉ để xử lý những đứa trẻ hành động chưa đúng. Nếu áp dụng công thức trên mà không chú ý đến cảm xúc của con thì bố mẹ cũng vô tình đúc khuôn con mình thành 1 hình mẫu ngoan, không biết bộc lộ cảm xúc.
Cuốn này vợ mình cũng nói mãi mình mới đọc vì thời điểm đó bé nhà mình đã có khả năng làm mình mất bình tĩnh. mình xin chia sẻ vài sự thay đổi của mình trước và sau khi đọc cuốn sách:
– Mình tự cảm thấy độ khả năng kiên nhẫn của mình đối với bé tăng lên rõ rệt, vì mình hiểu bé hơn, hay mình đã biết cách xử lý tình huống hơn.
– Thay vì mình kiềm chế tức giận thì mình có quyền được xả được mắng, nhưng là công kích vào hành động của bé chứ không nhằm vào bé.
– Mình dễ dàng hòa nhập với câu chuyện của bé hơn, dễ nói chuyện với bé hơn.
Cho dù vậy, đọc xong cuốn sách vẫn thấy nhiệm vụ làm bố mẹ vẫn lắm chông gai. Sách này chắc phải để gối đầu giường mà thực hành bố mẹ ạ. Mình e rằng chưa hiểu hết cuốn sách này nên mong có sự thảo luận của các bố mẹ ạ.