Ảnh Hoan
Việt Nam
Điện thoại: +84 ( 0) 902 237 889
Email: hoandesign01vn@gmail.com
Nhiếp ảnh
Góc nhìn Nhiếp ảnh sân khấu từ một họa sỹ thiết kế sân khấu.
Ngày đăng: 25/10/2015 - 4272 lượt xem
Tôi có cơ hội được tiếp cận với sân khấu rất nhiều. Ngay từ bé, tôi đã theo bố đến những nơi bố tôi làm họa sỹ sân khấu. Lớn lên theo nghiệp bố tôi cũng làm thiết kế sân khấu. Nhiếp ảnh sân khấu vừa là thú vui vừa là việc nên làm của tôi. Sau mỗi thiết kế sân khấu được thực hiện, tôi đều chụp lại. Tôi thường chụp sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn, mc xinh đẹp trên sân khấu. Nhiều khi, tôi chụp cả những đám đông khán giả ấn tượng. Việc chụp lại những sân khấu mà mình thiết kế hóa ra là một việc rất thú vị. Tôi thường làm sân khấu truyền hình nên những góc chuẩn nhất thường là bị các anh quay phim chiếm lĩnh, với các chương trình lớn thì còn bị các anh nhà báo chiếm cả những chỗ không đẹp.
 
Ngắm sân khấu qua ống kính nhiếp ảnh giúp tôi có được cảm giác của anh quay phim và đạo diễn hình: lấy bố cục như thế nào ? background đằng sau ra sao thì chuẩn ? nó có lỗi gì không ? Nếu đẹp nó mang lại cảm giác thăng hoa rằng: “thiết kế đẹp quá, vật liệu mình chọn chuẩn thế,…” Còn nếu xấu thì … đành ngậm ngùi rút kinh nghiệm.
 
Thiết bị
 
Những năm đại học, bố tôi mua tặng tôi một chiếc Nikon D90. Tôi nhớ lần đầu tiên chụp là chụp sân khấu cùng với thằng bạn thân. Từ đó đến nay, chiếc máy ảnh đã rong ruổi cùng tôi chụp ảnh, làm phim cũng được 5,6 năm trời. Nhưng mỗi lần đi chụp sân khấu, tôi thường mang 2 ống kính. Một là ống góc siêu rộng Tokina 11-16 F2.8 để chụp toàn cảnh sân khấu. Hai là ống KIT Nikon 18-105 VR hoặc Zoom Lens Nikon 70-300 VR. Tùy theo mục đích chụp và địa điểm của mình mà mang ống. Nếu có cơ hội tiến gần sân khấu, ống KIT 18-105 rất tuyệt vời. Nó cho phép lấy toàn cảnh sân khấu cho đến cận mặt diễn viên. Còn nếu muốn chụp được nghệ sĩ trên sân khấu thì Zoom Lens 70-300 VR là lựa chọn hàng đầu của tôi. Nhưng nếu điều kiện của các bạn tốt hơn hãy lựa chọn cho mình những thiết bị tốt nhất trong khả năng của bạn. Máy ảnh có độ nhạy sáng (ISO) cao, ống kính có độ mở lớn sẽ giúp bạn có năng tăng tốc độ màn trập để có thể bắt khoảnh khắc tốt hơn.
 
Ảnh chụp toàn cảnh sân khấu với ống siêu rộng 16-35F4
 
Ảnh chụp toàn cảnh sân khấu với ống siêu rộng Tokina 16-35 F4.
 
Vị trí
 
Là họa sỹ thiết kế sân khấu, tôi thường xuyên được làm việc với kịch bản và hiểu rõ sân khấu của mình. Thậm chí tôi còn thường xuyên được xem tổng duyệt trước, đây là cơ hội tuyệt vời để bạn tìm cho mình một vị trí tuyệt nhất và nắm bắt khoảnh khắc trong buổi diễn hôm sau. Còn bạn, nếu muốn thì cũng có thể đến buổi biểu diễn trước ngày biểu diễn một hôm để xem diễn viên tập luyện, tổng duyệt ( nếu có), hoặc nếu không thì có thể đến xem buổi biểu diễn 2,3 lần để nắm bắt được những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Tôi thường hay chọn hàng ghế gần nhất hoặc hàng ghế cao nhất để chụp hoặc là hai hành lang hai bên sân khấu (góc ¾ để chụp). Dù vậy tôi vẫn đánh giá cao vị trí ở trung tâm khán phòng, vị trí mà ở rạp chiếu phim thường gọi là hàng E, G, H. Nếu bạn là khán giả thì hãy mua vé ở vị trí đó. Còn nếu có thẻ phóng viên, nhà báo hoặc Ban tổ chức thì hãy di chuyển thật nhẹ nhàng vì bên cạnh bạn còn rất nhiều khán giả đang xem. Một vài góc như ở cánh sân khấu, sát dưới sân khấu sẽ giúp cho đối tượng chụp của bạn gối trên cảnh khác. Và đừng quên xin phép bảo vệ cho phép bạn chụp nhé.
 
- Chụp múa, chụp kịch, thời trang (catwalk): nên chọn vị trí chính giữa hoặc gần chính giữa.
- Chụp hát: nên chọn 2 cánh, chếch 45-60 độ vì nêú bạn ở chính giữa micro sẽ che hết miệng ca sỹ, không còn đẹp nữa.
 
 


Nhiếp ảnh sân khấu đội múa của TTMT VTV
 
 

 
Ảnh chụp nhóm múa ở đoạn nghỉ giữa bài để chuyển sang đoạn múa khác.
 
Chế độ chụp:
 
Tôi thường xuyên chụp ở chế độ M với chế độ cân bằng trắng (White Balance K: 5600. Còn ISO, tốc và khẩu phải tùy chỉnh theo ánh sáng sân khấu. Với sân khấu thì nếu không có điều kiện test ánh sáng trước đó để đặt custom WB thì ta có thể dùng K để chỉnh. Nên set và chụp thử rồi chỉnh cho đến khi vừa ý. 
 
Sân khấu cũng có loại như sân khấu kịch truyền thống, sân khấu truyền hình, sân khấu biểu diễn thời trang (cat walk).  Ánh sáng sân khấu tuy thay đổi liên tục nhưng có sự nhanh chậm theo kịch bản. Ví dụ như sân khấu kịch nói có ánh sáng ít thay đổi vì thay đổi theo từng bối cảnh hoặc khi lên cao trào. Sân khấu ca nhạc thì lại chớp sáng liên tục thậm chí là còn nháy theo từng nốt nhạc.
 
Với những sân khấu thay đổi ánh sáng chậm thì tôi để chế độ M, để khẩu độ có độ nét phù hợp và điều chỉnh tốc độ sao cho thanh đo sáng vào điểm cân bằng và chụp.
 
Với những sân khấu có ánh sáng thay đổi nhanh và chớp, tôi vẫn để chế độ M nhưng ưu tiên tốc độ cố định 1:180 ( tốc độ tối thiểu để chớp được diễn xuất của diễn viên ) và xoay vòng khẩu độ sao cho thanh đo sáng vào điểm cân bằng và chụp. Nếu vẫn khó để chụp được ảnh đẹp thì tôi tăng ISO cao hơn. Còn nếu không chụp được nữa thì tôi khuyên bạn nên chuyển sang chế độ AV.
 
Bên cạnh đó tôi để chể độ AF một điểm và chụp chế độ S ( Single Shot - chụp 1 phát ). Sau mỗi lần chỉnh ánh sáng, tôi thường xuyên theo dõi bảng Histogram để đánh giá chuẩn xác hơn độ sáng tối của bức ảnh. Đây là một thói quen rất tốt ở bất kỳ thể loại nhiếp ảnh nào.
 
Chúng ta tuyệt đối không nên dùng đèn Flash trong khi chụp sân khấu. Trước hết là vì ánh đèn flash ảnh hưởng tới ánh sáng của buổi diễn, ánh sáng chớp lên khiến diễn viên mất tập trung. Thêm nữa, ánh sáng đèn flash chớp ở xa không đánh tới được diễn viên. Nếu ống kính mà rộng hay máy ảnh compact thì đèn flash sẽ làm sáng các cảnh ở gần thì không rất khó để chụp ở xa diễn viên.
 
Bắt nhịp sân khấu
 
Chụp sân khấu cũng như chụp sự kiện, khoảnh khắc qua đi rồi không thể trở lại được. Mỗi tiết mục khoảng 4 phút, nếu nháy liên tiếp chắc cũng phải hơn trăm kiểu. Vậy một chương trình có khoảng 12, 13 tiết mục thì số lượng ảnh sẽ rất nhiều. Vì vậy, hãy lắng nghe con tim và bắt lấy khoảnh khắc. Nhiều người còn thậm chí quay Full HD rồi về chụp lại ảnh và cắt ra. Cách này cũng rất sáng tạo nhưng lại bị hạn chế ở chỗ chất lượng ảnh thấp, bị hạn chế ở việc zoom xa gần khó khăn. Họ xem màn biểu diễn qua màn hình live view nên vì thế không bắt được nhịp của tiết mục.
 
Nếu bạn đã xem tiết mục trước rồi, thì việc canh điểm cao trào sẽ dễ dàng hơn nhiều. Còn nếu không, cũng không sao cả, hãy phiêu theo bài biểu diễn của diễn viên. Mỗi tiết mục đều có các điểm dừng của diễn viên, đó là cũng là khoảnh khắc mà dáng của diễn viên đẹp nhất. Ở những điểm này rất nhanh và có thể ánh sáng cũng không bắt kịp. Ngược lại ở các điểm mấu chốt như cao trào, mở và kết thì những điểm này ánh sáng và động tác của diễn viên đẹp nhất và ánh sáng cũng lâu nhất nhưng ảnh của bạn sẽ không còn độc vì có thể nhiều người cũng bắt được khoảnh khắc này.
 
Chụp thời trang thì đẹp nhất là người mẫu đi trên runway, chân đá thẳng, tay vung.
Chụp hát thì đẹp nhất lúc ca sỹ lên cao trào, khẩu hình mở tốt.
Chụp kịch thì khó hơn vì bạn phải chú ý theo từng tình tiết.
 
 


Ảnh chụp lúc diễn viên múa đang lên cao trào.
 
 
Tìm tòi cách thể hiện.
 
Khi đã nắm vững kỹ thuật rồi, thỉnh thoảng cũng nên thử những thể nghiệm cho chính mình khi chụp, có khi sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
 
Trước hết hãy hình dung bức ảnh bạn chụp hay điều gì sắp xảy ra sau đó. Hãy hình dung trước bức ảnh bạn sẽ có, chạy tới vị trí để có được bức ảnh, điều chỉnh các thông số thích hợp và chộp lấy khoảnh khắc đó khi mọi thứ đã sẵn sàng.
 
Người, nhạc cụ, các vật thể trên sân khấu và thậm chí cả ánh sáng rực rỡ của ánh đèn sân khấu sẽ tạo ra những hình dáng và đường nét trong khung hình. Ví dụ: khi chụp những đường nét đẹp của cây guitar sẽ phát hiện ra nó thường đẹp ở một vài góc nhất định hơn những góc khác, cũng như các đường nét kết hợp của chiếc guitar và tay chơi. Hãy thử các bố cục khác nhau. Hãy để ý đến những chi tiết nhỏ, ví dụ: để ý xem ca sĩ cầm mic tay trái hay tay phải? Tay chơi guitar chơi đàn tay phải hay tay trái… và sau đó hãy di chuyển để chọn được những góc chụp đẹp.
 
Hãy thử tính toán ánh đèn sân khấu, sử dụng chúng để bao sáng, lấy ánh sáng biên, hoặc đổ bóng cho chủ thể trong bức ảnh của bạn. Nếu có một ánh sáng loé vào ống kính, hãy nghiên cứu xem bạn có thể dùng chúng thế nào.
 
Hãy thể hiện sự cảm kích của bạn.
 
Bất cứ ai trên sân khấu đều thích được đánh giá cao. Hãy tán thưởng họ. Bạn không cần phải nhảy lên nhảy xuống và hét lên (thật là khó để có những thước chụp ổn định trong khi nhảy và la hét…), nhưng hãy nhìn thẳng vào mắt họ, thể hiện sự tán thưởng bằng một nụ cười, một cái gật đầu cảm ơn khi một nghệ sĩ nhìn xuống ống kính của bạn. Đôi khi chỉ một chút tán thưởng đó thôi sẽ giúp bạn kiếm được vài bức ảnh cực chất lượng, khi đầu của nghệ sĩ nhìn xuống chỗ bạn đang đứng, nhìn xuống ống kính của bạn và di chuyển về phía bạn.
 
Sân khấu là đất của nghệ thuật. Diễn viên trang điểm mặc phục trang đẹp. Diễn xuất được trau dồi và dày công luyện tập. Ánh sáng được đánh bởi người có kinh nghiệm và theo tiết tấu và cảm xúc của nhân vật. Khi diễn viên vào đúng vị trí được đạo diễn chỉ đạo thì ánh sáng sẽ rất hiệu quả. Hậu cảnh sau diễn viên là những phông cảnh trang trí đã được tính toán tỉ mỉ bởi những người hoạ sỹ thiết kế sân khấu như tôi. Có lẽ vì vậy mà nhiều người thích chụp sân khấu. Nhiếp ảnh sân khấu đặc biệt có ý nghĩa khi chụp chính những người thân của mình đứng trên sân khấu. Vì vậy tôi mong bài viết này sẽ giúp được phần nào các bạn mới bước vào nhiếp ảnh sân khấu.
 
Huy Hoan
Nhiếp ảnh
Đăng ảnh con lên mạng xã hội... Đăng ảnh con lên mạng xã hội như thế nào ?
Bản thân mình đã rất đắn đo về việc đưa hình ảnh con lên mạng vì những hiểm họa từ mạng xã hội không lường trước được. Nếu xem nhiều bài viết của mình...
Đọc thêm...
Nhiếp ảnh
Góc nhìn Nhiếp ảnh sân khấu ... Góc nhìn Nhiếp ảnh sân khấu từ một họa sỹ thiết kế sân khấu.
Sân khấu là đất của nghệ thuật. Diễn viên trang điểm mặc phục trang đẹp. Diễn xuất được trau dồi và dày công luyện tập. Ánh sáng được đánh bởi người c...
Đọc thêm...
Kết bạn với tôi
FacebookInstagramPinterest
Chia sẻ về trang
@ Nguyễn Huy Hoan 2013
Đăng nhập
Đăng nhập
Hướng dẫn đăng nhập
Chào mừng bạn đến với Hoan trên trang hoandesign.vn. Trang tác nghiệp các bạn đang truy nhập dành để chia sẻ với anh chị em đồng nghiệp trong nghề. Các cá nhân sử dụng đều phải hiểu và tôn trọng bản quyền của tác giả. Nếu bạn muốn truy cập trang này vui lòng liên hệ với Huy Hoan.